Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Phải Tha Thứ Thế Nào

Ma-thi-ơ 18:21-35

"Nếu mỗi người trong các ngươi hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy." (c. #35)

Câu hỏi suy ngẫm: Hai món nợ trong câu chuyện Chúa kể khác nhau thế nào? Điều này cho thấy gì về mức độ tha thứ của Chúa đối với tội lỗi chúng ta? Câu chuyện phản ánh thế nào về bản tính con người? Lý do Chúa dạy chúng ta tha thứ là gì? Bạn tha thứ người khác đến mức độ nào?

ta được nhờ rất nhiều ở tính lanh mồm lẹ miệng của Phi-e-rơ. Ông nhanh nhẩu phát biểu và mỗi lần ông nói, lại được Chúa dạy cho một giáo lý bất hủ. Lần này Phi-e-rơ cho rằng ông rất rộng lượng và xử rất đẹp. Ông hỏi Chúa ông phải tha thứ cho anh em mình như thế nào, và ông tự trả lời câu hỏi đó bằng đề nghị tha thứ cho họ bảy lần. Đề nghị của Phi-e-rơ không phải là không có căn cứ. Các ra-bi Do Thái dạy phải tha thứ cho anh em mình ba lần. Phi-e-rơ nghĩ, ông đã đi rất xa khi nhân đôi số lần tha thứ của các thầy giáo-luật và còn thêm một lần nữa. Phi-e-rơ chờ mong sự khen ngợi của Chúa, nhưng Ngài trả lời: người tín hữu Cơ Đốc phải tha thứ bảy mươi lần bảy, có nghĩa, không có giới hạn phân định cho sự tha thứ.

Sau đó Chúa Giê-xu kể chuyện về một tôi tớ được vua tha một món nợ lớn. Nhưng khi về nhà, anh lại đối xử tàn nhẫn với một người mắc anh một món nợ nhỏ. Và anh ta đã bị lên án vì không ó lòng thương xót. Ví dụ này đưa ra một số bài học mà Chúa Giê-xu đã dạy dỗ nhiều lần.

Nó dạy một bài học xuyên suốt cả Tân Ước, là phải tha thứ để được tha thứ. Ai không tha thứ anh em mình thì không thể hy vọng được Đức Chúa Trời tha thứ. Chúa Giê-xu nói:"Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót"(Ma-thi-ơ 5:7), hoặc "Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi, song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi" (Ma-thi-ơ 6:14-15). Tại sao vậy? Một trong những điểm chính của ví dụ này là sự khác xa giữa hai món nợ. Người tôi tớ thứ nhất nợ chủ mình mười ngàn ta lâng. Đó là một món nợ không thể tưởng tượng được. A. R. S. Kennedy đưa ra hình ảnh sống động làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ. Giả sử số nợ phải trả bằng bạc cắc, 100 đơ-ni-ê chỉ mang trong một túi nhỏ và món nợ 10.000 ta lâng phải cần đến một đoàn quân 8.600 người mới có thể mang được, mỗi người lại phải mang một túi xách cân nặng 6 cân Anh, đứng cách nhau 1 mét, thì xếp thành một hàng dài năm dặm. Sự tương phản giữa hai món nợ thật lớn lao. Điểm chính để chúng ta nhìn thấy là dù chúng ta có thể làm gì cho người khác cũng không có gì đáng kể so với những điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời đã tha thứ món nợ chúng ta thiếu Ngài, thì chúng ta tha thứ anh em mình những món nợ họ thiếu chúng ta. Điều chúng ta tha thứ cho người khác không thể so sánh với sự tha thứ lớn lao của Đức Chúa Trời.

Chúng ta đã được tha một món nợ không thể trả được, vì tội lỗi con người, Con Đức Chúa Trời phải chịu chết. Vì vậy, chúng ta phải tha thứ người khác như Đức Chúa Trời đã tha thứ chúng ta, bằng không, chúng ta sẽ không được thương xót. (B B)

Lạy Chúa, bài học tha thứ là bài học khó nhất trong cuộc đời, xin giúp con luôn nhớ ơn tha thứ của Ngài dành cho con và giúp con tha thứ người khác.

(c) 2024 svtk.net