Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Thứ Tự Sáng Tạo

Sáng-thế Ký 1:1-31

"Bởi đức tin, chúng ta biết vũ trụ được sáng tạo bởi lời Đức Chúa Trời và nguồn gốc của vạn vật không phải là những vật hữu hình" (He11:3 TKHĐ)

Câu hỏi suy ngẫm: Theo bạn chữ "ngày" ở đây là một khoảng thời gian nào? Kinh Thánh muốn nhấn mạnh điều gì khi ghi lại thứ tự rõ ràng của công trình sáng tạo? Theo bạn, Kinh Thánh và khoa học giúp gì cho niềm tin của chúng ta?

Sa 1:1-31 cho thấy Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày, trong khi các giả thuyết khoa học ngày nay cho rằng quả đất đã có cách đây hàng tỉ năm và mỗi thời kỳ điạ chất cách nhau hàng triệu năm. Như vậy, Kinh Thánh có phản khoa học không? Chúng ta hiểu chữ "ngày" trong Sa 1:1-31 như thế nào?

Chữ "ngày" trong Sa 1:1-31 trong nguyên văn alyom. Chữ này có thể có hai nghĩa:

Khoảng thời gian có ánh sáng, tức là 12 giờ đồng hồ: "Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là "NGÀY" (c. #5). "Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời đặng phân ra NGÀY với đêm" (c,14).

Khoảng thời gian 24 giờ, trong các câu: "Buổi chiều và buổi mai ấy là NGÀY thứ nhất, thứ nhì, thứ ba..."

Ngoài ra, chữ "ngày" còn có thể hiểu theo những nghĩa sau:

"Ngày "theo sự mạc khải Môi-se nhận được từ Chúa, nghĩa là trong ngày thứ nhất, Chúa cho Môi-se thấy ánh sáng được tạo thành; ngày thứ hai, ông thấy có khoảng không... Nói khác đi, "ngày" theo Môi-se chứng kiến .

Mỗi ngày là một niên đại địa chất, phù hợp với thứ tự xuất hiện của các sinh vật theo khoa học, nghĩa là thực vật có trước rồi đến các loài chim, loài cá, các thú vật và con người xuất hiện sau cùng

Mỗi lời giải thích trên đều có lý, tuy nhiên, chúng ta có thể đồng ý với thánh Augustine và nói rằng chữ "ngày" chỉ là một lối nói nhằm mô tả thứ tự sáng tạo của Chúa chứ không giới hạn vào một ý nghĩa nào cả.

Có người cho rằng Kinh Thánh không phù hợp với khoa học và tin Kinh Thánh là "phản khoa học". Thật ra không phải như vậy, vì:

Thánh Kinh không phải là một quyển sách về khoa học. Nếu là sách khoa học, chúng ta có thể nói sách này sai hay đúng, phù hợp với khoa học hay không. Thánh Kinh là sách cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh không chứng minh nhưng chỉ nêu lên sự kiện Đức Chúa Trời có thật và Ngài là Đấng sáng tạo vũ trụ. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là Kinh Thánh không thể đem đối chiếu hay so sánh với khoa học. Nhưng đem đối chiếu Kinh Thánh với khoa học cũng giống như đem truyện Kiều so sánh với thuyết tương đối của Einstein: một bên là văn chương, triết lý, một bên là khoa học vật lý. Thánh Kinh không phản khoa học nhưng Thánh Kinh không viết về khoa học nên không thể cho rằng Thánh Kinh thiếu tinh thần khoa học. Khoa học giải thích sự kiện còn Thánh Kinh cho thấy nguồn gốc của sự kiện.

Thánh Kinh ghi lại những sự kiện theo như điều trông thấy chứ không theo ngôn ngữ khoa học. Các tác giả trông thấy như thế nào thì ghi lại như vậy, tương tự như ta nói mặt trời mọc. Theo khoa học, mặt trời không "mọc" nhưng quả đất quay quanh mặt trời. Khi một người nói mặt trời mọc, ta không thể cho rằng người đó phản khoa học. Ta cũng không thể bắt người đó phải nói:"Quả đất quay về phía mặt trời và ta thấy được mặt trời," nhưng ta vẫn hiểu người đó muốn nói gì. Thánh Kinh cũng vậy, chỉ mô tả bằng ngôn ngữ thông thường để mọi người hiểu được.

Có những điều Thánh Kinh không ghi nhưng không phải là Thánh Kinh sai. Hiểu biết của mỗi thời đại thay đổi theo những khám phá mới, trong khi đó Thánh Kinh đã được viết từ hàng ngàn năm trước.

Thật ra khoa học và Kinh Thánh không mâu thuẫn nhau và có những nhà khoa học chân chính vẫn tin Kinh Thánh như Sir Isaac Newton của Anh. Tin Kinh Thánh chỉ có nghĩa là tin rằng tất cả những thứ tự trong vũ trụ có bàn tay nhiệm mầu của Đấng Tạo Hoá chứ chúng ta không phủ nhận điều gì của khoa học cả. (TN)

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con để con thấy được bàn tay quyền năng của Chúa trong những công trình sáng tạo và thêm lòng yêu kính Chúa.

(c) 2024 svtk.net