Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Lý Tưởng Cao Cả

Ma-thi-ơ 19:1-9

"Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu dựng nên một người nam, một người nữ và có phán rằng: hai người sẽ cùng nên một thịt" (c. #4)

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao trong hôn nhân người nam phải lìa cha mẹ? Hai người "trở nên một thịt" bao gồm những ý nghĩa nào? Những nguyên tắc về hôn nhân được Kinh Thánh dạy nhằm mục đích gì? Bạn áp dụng những nguyên tắc này ra sao?

Bây giờ chúng ta tiếp tục xem lý tưởng cao cả của hôn nhân mà Chúa Giê-xu đưa ra cho những người sẵn lòng chấp nhận mạng lịnh Ngài. Tiếng Do Thái chữ hôn nhân là kiddushin, có nghĩa là sự thánh hóa hay sự dâng hiến. Điều này có nghĩa là trong hôn nhân chồng dâng hiến và phó thác đời mình cho vợ, và vợ dâng hiến, phó thác đời mình cho chồng. Người này trở nên sở hữu độc quyền của người kia, như một lễ vật, một sinh tế trở nên sở hữu độc quyền của Đức Chúa Trời. Đó là những điều Chúa Giê-xu muốn nói khi Ngài nói rằng trong hôn nhân, người đàn ông phải lìa bỏ cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và cả hai hoàn toàn hiệp nhất đến nỗi được kể là một thịt. Đó chính là lý tưởng hôn nhân của câu chuyện cũ xưa trong Sa 2:24 và là lý tưởng Chúa Giê-xu tái xác nhận. Ý tưởng này có một số hiệu quả.

Sự liên hiệp toàn diện này có nghĩa là hôn nhân không chỉ dành cho một sinh hoạt trong đời sống. Dù tình dục là quan trọng của hôn nhân nhưng nó không phải là toàn thể hôn nhân. Bất cứ cuộc hôn nhân nào chỉ vì lòng ham muốn nhục dục chắn chắn sẽ thất bại. Hôn nhân được ban cho không phải để cả hai cùng làm chung một việc, nhưng để họ cùng làm chung mọi việc.

Hôn nhân là sự liên hiệp toàn diện của hai cá tính. Lý tưởng là trong hôn nhân là hai người đều tìm thấy sự bổ túc của hai cá tính. Hôn nhân không phải thu hẹp đời sống nhưng là cho đời sống được trọn vẹn. Vì nó phải mang lại cho hai người một sự trọn vẹn mới, một sự thỏa mãn mới, một sự hài lòng mới cho cuộc sống. Điều này không có nghĩa là không cần phải điều chỉnh, hi sinh, nhưng có nghĩa là quan hệ cuối cùng được đầy đủ hơn, vui thỏa hơn, hài hòa hơn bất cứ đời sống độc thân nào.

Có một cách thực tế hơn: hôn nhân phải là sự chia sẻ mọi hoàn cảnh sống. Điều nguy hiểm trong những ngày mới quyến luyến nhau: hai người hầu như chỉ nhìn thấy ở nhau những điểm tốt đẹp nhất. Họ nhìn nhau trong những bộ quần áo đẹp nhất, chiều theo sở thích của nhau và thường tiền bạc chưa trở thành một vấn đề. Nhưng khi đã thành hôn, hai người phải nhìn nhau khi họ chán ngán và mệt mỏi, khi con cái mang những phiền toái về nhà, khi tiền bạc trở nên eo hẹp, khi thực phẩm, quần áo và những giấy nợ trở thành vấn đề, khi ánh trăng và những đóa hồng thay bằng nồi niêu bề bộn trong bếp và cảnh thức đêm để dỗ con. Nếu hai người không được chuẩn bị để đối diện với những công việc thường nhật, cũng như những vẻ đẹp của đời sống chung với nhau, thì hôn nhân chắc thất bại.

Từ đó một điều, không hẳn là luôn luôn đúng nhưng ít nhiều là một sự thật, đó là, nếu có thời gian dài quen nhau trước khi cưới thì hôn nhân có cơ hội thành công hơn. Khi hai người thật sự biết rõ lai lịch, hiểu biết nhau nhiều thì có nhiều cơ hội để thấy rõ nhau hơn, hôn nhân có cơ hội thành công hơn. Hôn nhân có nghĩa là chung sống liên tục với nhau. Những thói quen đã in sâu, những hành vi vô thức, những phương thức giáo dục của mỗi người có thể đụng chạm nhau. Càng hiểu biết nhau đầy đủ hơn trước khi quyết định kết hợp với nhau thì càng hay hơn. Nói thế không phải phủ nhận tình yêu có thể có trước và tình yêu có thể chinh phục mọi sự nhưng có nghĩa là hai người hiểu biết nhau rõ ràng thì cuộc hôn nhân càng dễ thành công hơn.

Những điều này đưa chúng ta đến một kết luận thực tế. Căn bản của hôn nhân là chung sống, và nền tảng của đời sống chung không có gì khác hơn là quan tâm đến nhau. Muốn hôn nhân thành công, vợ chồng phải luôn luôn nghĩ đến nhau hơn là nghĩ đến mình. Sự ích kỷ là tên sát nhân của mọi tương quan giữa mình với người khác, điều đó càng đúng hơn khi hai ngươi kết hiệp trong hôn nhân.

Lạy Chúa, xin giúp con làm theo điều Chúa dạy để thấy sự phong phú trong đời sống hôn nhân.

(c) 2024 svtk.net