Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Năng Lực Của Sự Cầu Nguyện

Ma-thi-ơ 21:18-22

"Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả." (c. #22);

Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn Kinh Thánh này muốn nhấn mạnh đến khía cạnh hay phương diện nào của sự cầu nguyện? Có phải đức tin là điều kiện cần và đủ để lời cầu nguyện được nhậm không? Bạn kinh nghiệm thế nào về năng lực của sự cầu nguyện.?

Đoạn này kết thúc với lời Chúa Giê-xu nói về năng lực của lời cầu nguyện, đó là những lời mà chúng ta cần phải hiểu thật đúng đắn. Nếu hiểu sai ta có thể nản lòng, nếu hiểu đúng nó sẽ mang lại quyền năng cho chúng ta. Chúa Giê-xu nói lời cầu nguyện có thể dời được núi, và nếu chúng ta tin trong khi cầu xin ta sẽ nhận được. Lời hứa này không nói theo nghĩa đen, nghĩa vật chất. Chính Chúa Giê-xu cũng như chưa có người nào dời ngọn núi trên địa hình, địa vật bằng lời cầu nguyện. Nhiều người cầu nguyện với niềm tin nhiệt thành xin cho điều này xảy ra hay điều nọ đừng xảy ra, hay cho một người nào đó được khỏi chết, và theo nghĩa đen thì lời cầu nguyện đã không được nhậm. Như vậy Chúa Giê-xu đang hứa gì với chúng ta qua lời cầu nguyện.

1. Chúa Giê-xu hứa lời cầu nguyện cho chúng ta khả năng để làm. Cầu nguyện không phải là lối thoát dễ dàng, không bao giờ là đẩy việc cho Đức Chúa Trời làm thay cho chúng ta. Cầu nguyện là năng lực. Cầu nguyện không phải là xin Chúa làm một việc gì, mà cầu xin năng lực của Chúa khiến chúng ta có thể làm được việc đó. Cầu nguyện không phải là xin đi con đường dễ dàng, cầu nguyện là tiếp nhận quyền năng để đi con đường khó khăn. Cầu nguyện lá ống dẫn năng lực đến để ta đối phó và dời những ngọn núi khó khăn với sự giúp đỡ của Chúa. Nếu cầu nguyện chỉ là biện pháp để chúng ta được mọi sự như ý nguyện thì rất tai hại, vì sẽ khiến chúng ta bừa bãi, lười biếng và yếu hèn. Ta phải cầu nguyện rồi chổi dậy làm việc; ta sẽ thấy khi làm việc thì một năng lực mới vào trong ta. Đối với Đức Chúa Trời mọi sự đều làm được, và với Đức Chúa Trời điều bất năng trở thành hiện thực.

2. Cầu nguyện là khả năng chấp nhận và chấp nhận để chuyển hóa. Cầu nguyện không có nghĩa là mang lại sự thay đổi một tình huống mà là mang lại khả năng chấp nhận hoàn cảnh và để chuyển hóa hoàn cảnh đó. Phao-lô, cho chúng ta tấm gương, ông đã cầu nguyện hết lòng để được thoát khỏi cái giằm xóc trong thân thể ông và khỏi sự đau đớn thể xác do nó gây ra. Nhưng ông không được giải thoát khỏi tình cảnh đó, ông được ban cho khả năng chấp nhận hoàn cảnh đó, và ông đã khám phá rằng sức mạnh đã trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của ông, và ân sủng Chúa đã đủ cho mọi sự. Trong sức mạnh ân sủng đó, không những ông chỉ chấp nhận tình cảnh những còn biến nó thành vinh quang (II Cô-rinh-tô 12:1-10). Cầu nguyện không làm đảo ngược hoàn cảnh, nó giúp ta chiến thắng hoàn cảnh. Cầu nguyện không phải là trốn chạy khỏi một tình huống nhưng là đối diện với nó một cách can trường.

3. Cầu nguyện mang lại khả năng chịu đựng. Chúng ta thấy hoàn cảnh diễn biến, những điều bi đát đang xảy ra hay đang tiến tới khó tránh được, những công tác trước mắt đòi hỏi nhiều hơn khả năng chúng ta có. Những lúc như vậy chúng ta mang ý tưởng không thể kham nổi. Cầu nguyện không cất bỏ điều bi đát, nó không cho chúng ta trốn khỏi hoàn cảnh, không cho chúng ta được miễn trừ khỏi công việc, nhưng nó khiến chúng ta có khả năng chịu được điều bất kham, đối diện được điều không thể đối diện và vượt được trở lực mà khả năng chúng ta không thể vượt được.

Bao lâu chúng ta còn xem sự cầu nguyện là một hình thức trốn chạy thì chúng ta sẽ thất vọng, hoang mang, nhưng khi chúng ta xem cầu nguyện như là con đường chiến thắng và là sức mạnh sinh động từ trời thì những điều đó sẽ xảy ra.

Lạy Chúa, xin cho con kinh nghiệm năng lực trong sự cầu nguyện, và giúp con bước đi với năng lực đó.

(c) 2024 svtk.net