Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Vua Sa-lem

Sáng-thế Ký 14:18-24; Hê-bơ-rơ 7:1-10

"Hãy nghĩ xem, chính tiên tổ là Áp-ra-ham đã lấy một phần mười trong những vật rất tốt của mình chiếm được mà dâng cho vua thì vua tôn trọng là dường nao (Hê-bơ-rơ 7:4)

Câu hỏi suy ngẫm: Mên-chi-xê-đéc là ai? Hình ảnh Mên-chi-xê-đéc trong Cựu Ước phác họa điều gì về Chúa Giê-xu trong Tân Ước? Thái độ của Áp-ra-ham với Mên-chi-xê-đéc nhắc chúng ta điều gì về thái độ của chúng ta đối với Chúa Giê-xu?

Sau khi giải cứu người cháu, Áp-ra-ham trở về và được vua Mên-chi-xê-đéc ra nghênh đón. Áp-ra-ham dâng một phần mười những của cải ông thu được của quân giặc cho vị vua này. Vua Mên-chi-xê-đéc là một nhân vật đặc biệt, ngoài phân đoạn Kinh Thánh đọc hôm nay, tên của ông còn được nhắc đến trong Thi Thiên Thi-thiên 110:4 và thư Hê-bơ-rơ Hê-bơ-rơ 7:3 mô tả vua Mên-chi-xê-đéc là: "không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày đầu mới sinh, cũng không có ngày rốt qua đời." Sở dĩ tác giả thư Hê-bơ-rơ viết như vậy vì Thánh Kinh Cựu Ước không cho chúng ta biết một chi tiết nào khác về vua Mên-chi-xê-đéc ngoại trừ câu trong Sa 14:18 Câu "Không cha, không mẹ, không gia phổ, không ngày sinh, không ngày chết..." chỉ có nghĩa là không có tiểu sử hoặc tiểu sử của ông không được ghi lại. Tác giả thư Hê-bơ-rơ lấy điều này để so sánh với Chúa Giê-xu là Đấng vĩ đại, cao cả, không có những giới hạn về gia đình hoặc sinh tử như loài người. Sa 14:18 cho biết về vua Mên-chi-xê-đéc như sau:

1. Ông cho là vua của Sa-lem. Theo Thi Thiên Thi-thiên 76:2 Sa-lem là một tên khác của thành Giê-ru-sa-lem.

2. Ông là "thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao". Thiên Chúa chỉ mạc khải cho một mình Áp-ra-ham biết về Ngài, vậy tại sao lại có chức vụ "thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao"? Có lẽ lúc bấy giờ ngoài Áp-ra-ham còn có một cộng đồng khác cũng thờ Đức Chúa Trời, và Mên-chi-xê-đéc vừa là vua, vừa là thầy tế lễ của cộng đồng này. Chính vì tính cách bí ẩn đó mà vua Mên-chi-xê-đéc được dùng làm biểu tượng cho Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu được gọi là "thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc" (Hê-bơ-rơ 6:20), hàm ý chức tế lễ này có trước và khác với chức tế lễ theo luật Môi-se.

Hê-bơ-rơ chương 7 là phân đoạn giải thích Sa 14:18-20 cho thấy vua Mên-chi-xê-đéc cao trọng hơn Áp-ra-ham vì Áp-ra-ham đã phải dâng một phần mười lợi tức cho ông và ông đã chúc phước lại cho Áp-ra-ham. Đây là hình ảnh của Chúa Giê-xu trong Cựu Ước được Thánh Kinh Tân Ước xác nhận. Chúng ta có thể nói vua Mên-chi-xê-đéc trong phân đoạn Thánh Kinh này là biểu tượng của Chúa Giê-xu mà chính Áp-ra-ham đã thuận phục, dâng một phần mười của cải và nhận được lời chúc phước. Nói về huyết thống, Chúa Giê-xu là con cháu Áp-ra-ham, nhưng thật ra Ngài là Đức Chúa Trời Chí Cao. Chính Chúa Giê-xu cũng tuyên bố: "Trước khi chưa có Áp-ra-ham đã có ta!" (Giăng 8:58).

Phân đoạn Kinh Thánh này nói về vua Mên-chi-xê-đéc, nhưng cũng cho chúng ta thấy hình ảnh của Chúa Giê-xu, Ngài vừa là vua, vừa là thầy tế lễ. Là thầy tế lễ, Chúa đã dâng mạng sống làm sinh tế chuộc tội chúng ta; là Vua, Chúa Giê-xu đang cai trị trong lòng những người tôn thờ Chúa và Ngài sẽ trở lại trần gian để làm Vua trên muôn vua.

Đoạn cuối của Sa 14:1-24 nói về việc Áp-ra-ham không nhận của cải vua Sô-đôm ban cho ông. Áp-ra-ham đã giải cứu dân của vua Sô-đôm nên vua muốn trả ơn bằng cách ban cho ông những của cải đã đoạt lại từ kẻ thù, tuy nhiên Áp-ra-ham đã từ chối để tránh tiếng về sau cho rằng nhờ vua Sô-đôm mà Áp-ra-ham được giàu có. Áp-ra-ham chỉ xin phần thực phẩm cho những người đi với ông. Điều này cho thấy Áp-ra-ham là người quân tử, làm ơn nhưng không muốn được trả ơn. Ông làm ơn chỉ vì ông thương yêu và muốn giúp đỡ người khác. Đây là điều chúng ta nên bắt chước.

Xin Chúa nhắc con nhớ Chúa là vua và cũng là thầy tế lễ cả, để con thêm lòng kính yêu và biết ơn Chúa. Xin giúp con có tinh thần giúp đỡ, không mong người khác phải đền bù hay báo đáp.

(c) 2024 svtk.net