Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Đức Chúa Trời Hay Đoái Xem

Sáng-thế Ký 16:7-16

"Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là "Đức Chúa Trời hay đoái xem" vì nàng nói rằng: Chính tại đây tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?" (c. #13);

Câu hỏi suy ngẫm: Thái độ của A-ga đối với Sa-ra đưa đến hậu quả nào? Trong hoàn cảnh khốn khổ của A-ga. Chúa có lời khuyên và lời hứa nào cho bà? Qua đó, chúng ta học được bản tính nào của Chúa?

Khi biết mình đã mang thai con của chủ, đáng lẽ A-ga phải thông cảm hay ái ngại cho bà chủ, trái lại, bà coi thường và khinh bỉ bà chủ của mình. Nếu chúng ta được phước của Chúa hơn người khác, hãy nhớ không phải vì chúng ta xứng đáng hơn nhưng vì Chúa yêu thương chúng ta mà thôi. Chúng ta không nên vì thế mà coi thường người khác. Sa-ra hành hạ A-ga là điều đáng trách, nhưng A-ga lên mặt, coi thường Sa-ra là điều chúng ta cũng nên tránh.

Khi bị Sa-ra hành hạ, A-ga chạy trốn trong sa mạc, tại đây, bà đã gặp thiên sứ của Chúa. Thành ngữ "thiên sứ của Đức Giê-hô-va" trong Cựu Ước thường được dùng để chỉ sự hiện diện của chính Chúa. Trong câu chuyện này, chính Chúa đã đối diện với bà A-ga để giúp bà và đưa ra những lời khuyên và lời hứa cần thiết.

Chúa bảo bà hãy trở về phục tùng bà chủ. Đây là một mệnh lệnh khó thi hành vì chính chủ là người đã hành hạ đến nỗi bà chịu không nỗi và phải trốn đi. Tuy nhiên, đây là định luật muôn đời của Chúa: mọi ngưòi phải tuân phục quyền hành ở trên mình, vì mọi quyền đều đến từ Chúa (Rô-ma 13:1-2). Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: "Người làm công phải kính trọng chủ, phục tùng không những người tốt bụng, biết điều, mà luôn cả những kẻ khó tính" (I Phi-e-rơ 2:18 TKHĐ). Đây là một lời khuyên khó thi hành nhưng nếu nhớ rằng mọi quyền đều đến từ Chúa, chúng ta sẽ vâng phục những thẫm quyền ở trên mình dễ dàng hơn.

Chẳng những khuyên bà A-ga phải vâng phục chủ, nhưng Chúa cũng ban cho bà một lời hứa, đó là: Con cháu của bà sẽ trở nên một dân tộc hùng mạnh (c. #10-12). Về đứa con bà A-ga đang cưu mang Chúa cho biết.

1. Nó sẽ được đặt tên là Ích-ma-ên nghĩa là "Đức Chúa Trời nghe". Ngày xưa, mỗi khi đặt tên con, người ta thường đặt theo một ý nghĩa nào đó. Trong trường hợp này chính Chúa đặt tên, cho thấy Chúa thông cảm với nỗi sầu khổ của bà A-ga, Ngài nghe tiếng kêu xin của bà. Dù chúng ta tội lỗi xấu xa, không xứng đáng, nhưng khi gặp hoạn nạn, kêu cầu đến Chúa, Ngài vẫn nghe tiếng kêu xin của chúng ta.

2. Ích-ma-ên được mô tả là "như một con lừa rừng" (c. #12). Đây là lối nói của ngưòi thời xưa. Lừa rừng là một con vật hung hãn nhưng được mọi người ưa chuộng vì tính hung hãn đó, tương tự như câu "Khoẻ như trâu"! Câu này là một lời tiên tri về sức mạnh của người con mà bà A-ga đang mang trong lòng.

Hai câu #13,14 ghi lại đáp ứng của bà A-ga trước sự chăm sóc của Chúa. Bà gọi Chúa là "Đức Chúa Trời hay đoái xem" và giếng nước tại đây đã được mang tên đó. Khi được Chúa thăm viếng, chăm sóc, chúng ta cũng cần bày tỏ lòng biết ơn và tôn thờ Chúa như vậy. Chúng ta cũng có thể gọi Chúa là "Đức Chúa Trời hay đoái xem" vì Ngài thông cảm với tất cả nỗi khổ đau, phiền muộn của chúng ta, và khi kêu cầu đến Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa cứu.

Cám ơn Chúa là Đấng "hay đoái xem" và sẵn sàng cứu giúp. Xin cho con biết nương nhờ Chúa và tôn thờ Chúa mãi mãi.

(c) 2024 svtk.net