Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Làm Một Người Trọn Vẹn

Sáng-thế Ký 17:1-8

"Khi Áp-ra-ham được chín mươi chín tuổi thì Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng, ngươi hãy đi ở trước mặt ta, làm một người trọn vẹn." (c. #1);

Câu hỏi suy ngẫm: Mệnh lệnh và lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham quan trọng thế nào? Liên hệ nhau ra sao? Chúa đã lập giao ước nào với Áp-ra-ham? Chúa đã lập giao ước nào với bạn?

Áp-ra-ham được gọi là "ông tổ của đức tin" và cuộc đời của ông cho thấy rõ điều đó. Chúa bảo ông ra khỏi quê hương đi đến nơi Chúa sẽ chỉ và Chúa hứa sẽ cho con cháu ông trở nên một dân tộc hùng mạnh (Sáng-thế Ký 12:1-20). khi Áp-ra-ham định cư tại Ca-na-an, Chúa nhắc lại lời hứa ấy một lần nữa (Sáng-thế Ký 15:1-21). Thời gian trôi qua, vợ chồng Áp-ra-ham ngày càng lớn tuổi nhưng vẫn không thấy lời hứa của Chúa được hoàn thành nên bà Sa-ra đã bảo chồng kết hôn với A-ga để có con nối dõi (Sáng-thế Ký 16:1-16). Áp-ra-ham đã chờ đợi suốt 10 năm nhưng không thấy lời hứa của Chúa thành sự thật nên đã nghe lời vợ và lấy A-ga làm hầu thiếp. Mười ba năm sau, Chúa lại đến với Áp-ra-ham và hứa với ông: "Độ khoảng này năm tới Sa-ra phải sinh cho ngươi" (#17:21). Như vậy, Áp-ra-ham đã phải chờ đợi ít nhất là 24 năm từ khi Chúa hứa lời đầu tiên cho đến khi Chúa hoàn thành lời hứa ấy! Tuy vậy, Áp-ra-ham vẫn kiên trì chờ đợi. Chúng ta cũng cần kiên trì trong khi chờ đợi lời hứa của Chúa được hoàn thành trong đời sống chúng ta.

Khi hiện ra với Áp-ra-ham lần này, Chúa xưng là "Đức Chúa Trời Toàn Năng" (El Shaddai). Danh từ này cho thấy Chúa là Đấng quyền uy, vĩ đại, ngự trị trên cao. Trước khi đưa ra lời khuyên, lời hứa, Chúa xưng Ngài là Đức Chúa Trời Quyền Năng để Áp-ra-ham thấy sự oai nghi vĩ đại của Ngài. Đối tượng của đức tin Áp-ra-ham là Thiên Chúa quyền uy, đầy sức mạnh, đảm bảo cho lời hứa của Ngài. Chúa của Áp-ra-ham cũng là Chúa của chúng ta, đối tượng của niềm tin chúng ta cũng là Đức Chúa Trời đầy quyền uy. Đặt niềm tin nơi Chúa, chúng ta không bao giờ bị thất vọng.

Tiếp theo lời xưng Chúa là Đấng Toàn Năng, Chúa bảo Áp-ra-ham: "Ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn." Đây là một chỉ thị rõ ràng, hàm ý rằng vì Chúa là Đấng Toàn Năng. Áp-ra-ham phải sống thế nào cho vừa lòng Chúa, đúng với danh hiệu là người của Chúa. Đây cũng là chỉ thị cho mỗi chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta tin Chúa là Đấng Toàn Năng, chúng ta cũng phải có nếp sống phù hợp với đức tin. Vì biết Chúa là Đấng Toàn Năng, chúng ta phải sống vui lòng Ngài.

Tiếp theo chỉ thị trên, Chúa lại hứa với Áp-ra-ham: "Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá bội" (c. #2). Đây là lần thứ ba Chúa hứa với Áp-ra-ham nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy lời hứa đó sẽ trở thành sự thật. Dầu vậy, phản ứng của Áp-ra-ham là: "Sấp mình xuống đất" (c. #3 a). Đây là hành động bày tỏ sự tôn thờ, thuận phục. Mỗi khi phải chờ đợi điều gì quá lâu, chúng ta dễ nản lòng và oán trách Chúa. Chúng ta cần bắt chước thái độ của Áp-ra-ham: cúi đầu thuận phục và tôn thờ Chúa.

Sau khi Áp-ra-ham cúi đầu vâng phục, Chúa nhắc lại lời hứa của Ngài, đồng thời đổi tên cho ông để xác nhận lời hứa đó. Tên của ông trước kia là Áp-ram, nghĩa là "cha cao quý" nay được đổi là "Áp-ra-ham" nghĩa là "cha của nhiều dân tộc". Áp-ra-ham là tổ tiên của một dân tộc, đó là dân Do Thái. Tuy nhiên, với lời hứa của Chúa, ông đã trở thành cha của nhiều dân tộc vì "những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham" (Ga-la-ti 3:7). Dù là giống người nào, khi đặt niềm tin trọn vẹn nơi Chúa, mọi người đều được kể là con cháu Áp-ra-ham. Thật ra dù chưa kể những người tin Chúa, Áp-ra-ham cũng là tổ tiên của nhiều dân tộc vì ông là ông tổ của người Do Thái, người Ả-rập và người Ê-đôm (con cháu Ê-sau). Đó là ý nghĩa cũa câu: "Ta sẽ ....làm cho người thành nhiều nước và các vua do nơi ngươi mà ra" (c. #6)

Chúa gọi giao ước giữa Chúa với Áp-ra-ham là "giao ước đời đời" (c. #7). Giao ước này nói về liên hệ giữa Chúa với dòng dõi Áp-ra-ham và cũng liên hệ đến đất đai họ cư ngụ nữa (c. #8). Lời hứa và giao kết giữa người với người dù là giao ước suốt đời, cũng đến lúc phải chấm dứt. Giao ước giữa Chúa với con dân Chúa không bao giờ chấm dứt, vì Chúa không bao giờ thay đổi, không bao giờ bội ước.

Cám ơn Chúa về những lời hứa và giao ước đời đời Chúa dành cho con. Xin giúp con nhớ rằng Chúa là Đấng Toàn Năng để con sống phù hợp với bản tính cao cả, thánh khiết của Chúa.

(c) 2024 svtk.net