Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 31

Vườn Nho Của Chúa

Ma-thi-ơ 21:33-46

"Sau hết người chủ sai chính con trai mình đến cùng họ vì nói rằng: Chúng nó sẽ kính trọng con ta. Nhưng khi bọn trồng nho thấy con đó, thì nói với nhau rằng: Người này là kẻ kế tự đây, hè, hãy giết nó đi và chiếm lấy phần gia tài nó. Họ bèn bắt con ấy, quăng ra ngoài vườn nho và giết đi." (c. #37-39);

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa kể ví dụ này nhằm lên án các nhà lãnh đạo Do Thái về những sai phạm nào? Phân đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta biết gì về Đức Chúa Trời? Về con người? Về Chúa Giê-xu? Nhận thức này giúp ích gì cho đức tin của chúng ta?

Những ai nghe ví dụ này cũng dễ dàng nhận biết các nhân vật trong đó. Vườn nho là nước Do Thái, chủ vườn nho là chính Đức Chúa Trời, những kẻ trồng nho mướn là những giới chức tôn giáo Do Thái, là những kẻ chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời về sự hưng thịnh của quốc gia. Những đầy tớ lần lượt được sai đến là các tiên tri, họ được Đức Chúa Trời sai đến nhưng bị chối bỏ và giết đi. Người con trai đến sau cùng không ai khác hơn là Chúa Giê-xu. Đây là câu chuyện sống động mà Chúa Giê-xu cùng một lúc đã vẽ lên lịch sử và sự suy sụp của quốc gia Y-sơ-ra-ên.

Ví dụ này nói rất nhiều với chúng ta trong ba mặt:

1. Nó cho chúng ta biết nhiều về Đức Chúa Trời

a. Sự tin cậy của Đức Chúa Trời nơi con người. Chủ vườn nho giao vườn cho kẻ trồng nho mướn. Ông không đứng canh họ như cảnh sát, ông đi xa, để họ tự giác làm việc. Chúa tôn trọng con người, giao phó cho họ công việc của Ngài. Mỗi công tác ta nhận đều bởi Chúa giao cho ta làm.

b. Sự nhẫn nhục của chính Đức Chúa Trời. Người chủ sai hết người đại diện này đến người đại diện khác đến với họ. Ông không đến báo thù ngay khi người đại diện ban đầu bị ngược đãi; ông cho họ hết cơ hội này đến cơ hội khác để đáp ứng đòi hỏi của ông. Chúa nín chịu mọi tội lỗi của con người và cho con người có cơ hội để ăn năn.

c. Sự phán xét của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, người chủ lấy lại vườn nho và giao cho người khác. Sự phán xét nghiêm khắc nhất là khi Ngài lấy lại khỏi tay chúng ta công tác Ngài muốn chúng ta làm. Một người sẽ chìm xuống nước thấp nhất khi người đó trở nên vô dụng đối với Chúa.

2. Nó cho chúng ta biết nhiều về con người.

a. Đặc quyền của con người. Vườn nho được sắm sẵn đủ mọi thứ, có hàng rào, có hầm ép rượu, có tháp canh, để giúp việc canh tác dễ dàng. Chúa không những giao phó chúng ta công tác để làm mà còn ban cho phương tiện nữa.

b. Sự tự do của người. Người chủ vườn để những người trồng mướn làm công việc theo ý thích. Chúa không phải là người độc đoán. Ngài như một chỉ huy khôn ngoan giao phó công tác rồi để cho họ làm.

c. Con người phải trả lời về hành vi của mình. Mọi người đều sẽ có một ngày tính sổ. Chúng ta phải trả lời Đức Chúa Trời về cách chúng ta thi hành công tác Ngài giao cho.

d. Sự cố tình phạm tội của con người. Những người trồng nho mướn cố tình thực hiện kế hoạch chống lại và không vâng phục chủ. Tội lỗi là cố ý chống chọi Đức Chúa Trời, cô tình theo đường riêng dù biết rõ đường lối của Chúa.

3. Nó nói cho chúng ta về Chúa Giê-xu.

a. Sự tuyên xưng của Chúa Giê-xu. Chúng ta thấy rõ Chúa Giê-xu đã xác định Ngài hơn các tiên tri đi trước. Những người đã đến trước Ngài là sứ giả của Đức Chúa Trời, không ai phủ nhận vinh dự đó của họ, nhưng họ chỉ là tội tớ, còn Ngài là Con. Ví dụ này chứa đựng một trong những lời tuyên xưng rõ ràng nhất của Chúa Giê-xu, địa vị Ngài độc đáo và khác với những người lớn nhất đã đến từ trước.

b. Sự hi sinh của Chúa Giê-xu. Ví dụ này cho thấy rõ ràng những gì đang ở phía trước. Những kẻ làm vườn gian ác đã giết con trai của chủ. Chúa Giê-xu không chút nghi ngỡ những gì đang chờ đợi Ngài; Ngài không chết vì bị bắt buộc phải chết. Ngài sẵn lòng đi tới và đối diện với cái chết.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhìn thấy đặc ân Ngài dành cho con trong sự cứu chuộc, và sử dụng con, xin giúp con yêu Ngài hết lòng.

(c) 2024 svtk.net