Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Ra Khỏi Chốn Hủy Diệt

Sáng-thế Ký 19:12-22

"Đừng quên hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ cùng các thị trấn chung quanh đầy dẫy mọi thứ dâm ô, kể cả tính dục đồng giới. Các thành phố ấy đều bị lửa tiêu diệt và trở thành tấm gương cảnh cáo cho chúng ta biết có một hỏa ngục cháy đời đời để hình phạt tội nhân." (Giu-đe1:1-7, TKHĐ)

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao khi Lót tin Sô-đôm sẽ bị hủy diệt các chàng rể tưởng Lót nói chơi? Tại sao Lót lần lữa không chịu ra khỏi thành? Bằng cách nào Chúa đã giải cứu Lót? Tại đây bạn học được phẩm tính nào của Chúa? Bạn đáp ứng thế nào khi Chúa kêu gọi ra khỏi chốn hủy diệt?

Trước khi hủy diệt hai thành phố tội lỗi Sô-đôm và Gô-mô-rơ, vì tình thương đối với Áp-ra-ham, Chúa đã cho hai thiên sứ đến giải cứu gia đình ông Lót (c. #29). Hai vị thiên sứ giải thích cho Lót biết tại sao Chúa phải hủy diệt thành Sô-đôm, nhưng khi ông nói lại cho hai người rễ, họ không tin, tưởng ông nói đùa. Sở dĩ họ phản ứng như vậy là vì: (1) Có lẽ đời sống của ông Lót không có dấu hiệu gì là đời sống của một người tin Chúa, nên ông cảnh cáo về hình phạt của Chúa, không ai tin lời ông. Cũng có thể vì ông là người không thành thật, nên không ai tin. (2) Vì họ có thái độ thông thường của con người: coi thường lời cảnh cáo.

Ngày nay, ta cũng đang cảnh cáo người chung quanh về hình phạt của Chúa nhưng có nhiều người không tin. Ta cần xét xem tại sao họ coi thường lời cảnh cáo của chúng ta? Nếu đó là thái độ coi thường của họ, họ sẽ gánh lấy hậu quả; nhưng nếu ta đưa ra lời cảnh cáo mà chính đời sống ta không phản ánh đúng điều ta nói thì trách nhiệm là của ta. Chúng ta cần cẩn thận sống và hành động đúng với niềm tin để hướng dẫn người chung quanh đến với Chúa.

Dù thiên sứ cho biết Chúa sắp hủy diệt Sô-đôm nhưng ông Lót cũng vẫn chần chừ (c. #16). Có lẽ ông luyến tiếc gia tài, sự nghiệp ông đã xây dựng. Chúa đã yêu thương, dùng hai thiên sứ lôi ông và gia đình ra khỏi thành. Chần chừ, lần lữa là điều nên tránh vì thái độ đó đưa chúng ta đến chỗ diệt vong. Khi nói về Chúa cho người khác, chúng ta cần nhấn mạnh về tính chất cấp bách của việc tin nhận Chúa, và giúp người nghe quyết định trước khi quá muộn. Thánh Kinh dạy: "Giờ đây là kỳ thuận tiện, hiện nay là ngày cứu rỗi" (II Cô-rinh-tô 6:2, TKHĐ). Nhiều người chỉ vì chần chừ, lần lữa mà đã không được hưởng ơn cứu rỗi.

Phân đoạn Thánh Kinh này cho ta thấy sự kiên nhẫn của Chúa. Con người chần chừ, lần lữa, còn Chúa thì nhẫn nại, chờ đợi. Thánh Kinh dạy: "Không phải Chúa chậm trễ thực hiện lời hứa như người ta tưởng, nhưng Ngài chờ đợi, vì không muốn ai bị hư vong nên Ngài dành thêm thì giờ cho mọi người có dịp ăn năn" (II Phi-e-rơ 3:9, TKHĐ). Nhiều người ngày nay chế giễu những người tin nhận Chúa, cho rằng chờ đợi ngày Chúa trở lại là điều viển vông, không có thật. Họ không biết sở dĩ Chúa chưa trở lại là vì Chúa đang nhẫn nại chờ đợi mọi người ăn năn. Trong trường hợp của ông Lót, khi ông và gia đình chần chờ, Chúa đã nắm lấy tay họ và kéo ra khỏi chỗ diệt vong.

Cảm tạ Chúa yêu thương, không muốn ai bị chết mất, muốn cho mọi người đều hối cải. Xin dùng con làm người cảnh cáo và giúp người khác tin nhận Chúa để họ không bị diệt vong.

(c) 2024 svtk.net