Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Tái Phạm

Sáng-thế Ký 20:1-18

"Ta cũng biết ngươi vì lòng ngay thẳng mà làm điều đó, bởi cớ ấy, ta mới ngăn trở ngươi phạm tội cùng ta và không cho động đến người đó." (c. #6);

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Áp-ra-ham nói dối? Áp-ra-ham muốn bảo vệ mình hay bảo vệ Sa-ra? Chúa can thiệp thế nào để cứu Sa-ra? Làm sao chúng ta tránh được những lỗi lầm cũ?

Câu chuyện chúng ta vừa đọc có nhiều điểm giống câu chuyện đã xảy ra tại Ai Cập (Sáng-thế Ký 12!-20;) và về sau lại tái diễn với Y-sác tại Ghê-ra (Sáng-thế Ký 26:1-35). Cả ba câu chuyện đều nói lên một vấn đề: nói dối để bảo toàn tính mạng.

Trong Sa 18:1-33, lúc Chúa hiện đến với Áp-ra-ham, ông đang ở tại "lùm cây dẻ bộp của Mam-rê" (#18:1). Vì vậy khi chương 20 ghi: "Áp-ra-ham từ đó đi đến miền Nam" nghĩa là từ lùm cây dẻ bộp của Mam-rê ra đi. Ông đến "kiều ngụ tại Ghê-ra, giữa khoảng Ca-đe và Su-rơ" (c. #1 b). Đây là vùng thuộc miền Gaza, nằm giữa Ai Cập và Do Thái. Vùng đất này lúc đó do vua A-bi-mê-léc cai trị. Giống như lúc xuống Ai Cập lần trước, Áp-ra-ham sợ người ta sẽ hại ông để chiếm bà Sa-ra. Vì lo sợ viển vông, Áp-ra-ham đã gây khó khăn cho chính ông và người khác.

Vua A-bi-mê-léc tưởng Sa-ra là em gái Áp-ra-ham nên đưa bà vào cung. Không phải ông là người gian ác, muốn chiếm đoạt vợ người, ông chỉ làm một việc tự nhiên. Trong khi đó Áp-ra-ham cho rằng đây là chỗ "không có ai kính sợ Đức Chúa Trời" và có thể họ sẽ vì vợ ông mà giết ông (c. #11). Chính Áp-ra-ham mới là người không hết lòng nhờ cậy Chúa, vì ông nghĩ phải nói dối để bảo tồn tính mạng, trong khi đó vua A-bi-mê-léc lại là người tốt. Điều này cho thấy Áp-ra-ham có thành kiến về người khác. Đến một chỗ xa lạ, ông cho rằng mọi người ở đó đều gian ác. Từ định kiến đó ông đâm ra lo sợ và đã nói dối. Khi có định kiến về một người hay một nhóm người nào, chúng ta thường nghĩ những điều người đó làm hoặc tất cả những người trong nhóm đó đều xấu xa. Thực tế không nhất thiết như vậy. Trong phân đoạn này chúng ta thấy một vị vua ngoại bang, có thể không biết Đức Chúa Trời nhưng có lòng ngay thẳng, không làm điều gì sai quấy, không hành động ngược lại tiếng nói của lương tâm. Có những người ta có thành kiến nhưng có thể họ chỉ hành động theo điều họ hiểu biết, vì thế chúng ta nên hướng dẫn họ đến với Chúa.

Tuy là "anh hùng đức tin" nhưng Áp-ra-ham cũng có lúc yếu đuối. Ông đã gặp hoàn cảnh tương tự cũng biết tai hại của sự nói dối, nhưng một lần nữa ông lại vấp phải lỗi lầm cũ. Chúng ta nên nhớ lại những bài học Chúa đã dạy trong quá khứ để không phạm lại lỗi lầm cũ.

Khi nói chuyện với vua A-bi-mê-léc, Chúa gọi Áp-ra-ham là "tiên tri" (c. #7). Chữ tiên tri ở đây có nghĩa là người đứng trung gian giữa Chúa với loài người. Áp-ra-ham đã được Chúa mạc khải về Ngài nên ông có thể cầu thay cho A-bi-mê-léc. Dù yếu đuối, phạm tội, Áp-ra-ham vẫn được Chúa thương và được kể là người đại diện Ngài. Là con cái của Chúa, dù có những lúc chúng ta lầm lỡ phạm tội nhưng khi ăn năn Chúa sẵn sàng tha thứ và dùng chúng ta cho công việc Chúa. Chúng ta cũng được gọi là "tiên tri" của Chúa, tức là người đi loan báo lời Chúa dạy. Chúng ta cần làm trọn thiên chức đó, trung tín nói về Chúa, sẵn sàng cầu thay và đưa người chung quanh đến với Ngài.

Vua A-bi-mê-léc hành động theo điều ông hiểu biết và không biết như thế là sai. Chúa không để A-bi-mê-léc mắc phải lỗi lầm mà chính ông không biết nên Ngài đã ngăn cản ông. Đây là điều xảy ra cho những người thành thật với lương tâm và với chính họ. Có người hành động vì tội lỗi xui khiến những cũng có người xử sự theo lương tâm, làm điều sai nhưng tưởng là đúng. Trường hợp đó, Chúa sẽ can thiệp để chỉ cho người đó thấy chỗ sai lầm. Người nào thành thật làm theo tiếng nói của lương tâm, công nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, sẽ được Chúa hướng dẫn, và sẽ đi con đường đúng. Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp của người không được biết đến Thánh Kinh. Chúng ta phải nhớ Lời Chúa, để Chúa Thánh Linh hướng dẫn, đi con đường đúng mới có thể hướng dẫn người khác.

Lạy Chúa, xin dùng bài học hôm nay nhắc con về lòng nhờ cậy Chúa và để Chúa hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh.

(c) 2024 svtk.net