Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Đàm Luận Việc Chúa

II Giăng 1:13-15

"Mong sớm gặp anh để có dịp đàm luận việc Chúa." (c. #14, TKHĐ);

Câu hỏi suy ngẫm: Viết thư về việc Chúa có ích lợi thế nào? Tại sao sứ đồ Giăng "còn có nhiều điều cần nói nhưng không viết ra? (c. #13). Gặp mặt đàm luận việc Chúa có ích lợi thế nào? Bạn có viết thư cho ai hoặc đàm luận với ai về việc Chúa không?

Sứ đồ Giăng kết thúc bức thư gời cho Gai-út (II Giăng 1:13-15) cũng giống kết thúc bức thư gởi cho bà được chọn (I Giăng 1:12). Ông có nhiều điều cần nói nhưng không tiện viết ra. Chắc ông cũng đắn đo lắm và cầu nguyện nhiều trước khi nêu lên vấn đề Điêu-trắc, và nếu không được Chúa Thánh Linh cho phép thì chắc ông cũng đã không viết ra. Chúng ta biết rằng: "Cả Thánh Kinh được Đức Chúa Trời cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện con người theo sự công chính" (II Ti-mô-thê 3:16, TKHĐ), và "Không có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh do các tiên tri tự nghĩ ra nhưng chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra lời của Đức Chúa Trời" (II Phi-e-rơ 1:20-21, TKHĐ). Những gì sứ đồ Giăng đã viết ra đây không do ý ông tự nghĩ ra nhưng do Đức Thánh Linh cảm ứng và hướng dẫn. Còn những gì dầu ông muốn viết nhưng vì không được Thánh Linh cảm ứng và hướng dẫn thì ông không viết. Khi chúng ta viết thư cho nhau cũng cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn để biết những gì nên viết và những gì không nên hầu ích lợi cho nhau nói riêng và cho công việc Chúa nói chung.

Trên đường từ Giê-ru-sa-lem về làng Em-ma-út trong ngày Chúa Giê-xu phục sinh, hai môn đệ vừa đi vừa "đàm luận về những sự đã xảy ra" (Lu-ca 24:14). Đang khi họ nói và cãi lẽ nhau, chính Chúa Giê-xu đến gần, cùng đi đường với họ. Cảm tạ Chúa vì Ngài xem sự hiện diện của Ngài để củng cố niềm tin hai môn đệ "trở về làng củ" này là quan trọng nên đã để thì giờ quí báu trong ngày đầu tiên phục sinh hiện đến với họ. Nếu chúng ta ngồi lại với nhau để đàm luận việc Chúa chắc chắn Ngài hiện diện, hướng dẫn miễn là chúng ta thuận hiệp với nhau (Ma-thi-ơ 18:19-204).

Có được người anh em đồng chí đồng lao để bớt cô đơn trong chức vụ là một ơn phước lớn lao. Có được người anh em cùng một tâm tình để viết thư hoặc gặp mặt đàm luận về việc Chúa là một khích lệ và an ủi trong chức vụ hầu việc Chúa. Sứ đồ Giăng đã già, các sứ đồ khác đều qua đời hết, nhiều khi ông cũng cô đơn lắm. Hãy lắng nghe những lời Phao-lô tâm tình với người con tinh thần yêu dấu của ông là Ti-mô-thê: "Mọi người trong xứ Tiểu Á đều bỏ rơi ta...con cố gắng đến ngay với ta vì Đê-ma ham hố đời này bỏ ta đi Tê-sa-lô-ni-ca rồi. Cơ-ra-sen qua xứ Ga-la-ti và Tích lên phục vụ tại Nam-tư...chỉ còn Lưu-ca ở đây với ta...Khi ta ra tòa lần thứ nhất, chẳng có ai bênh vực, mọi người đều bỏ rơi ta." (II Ti-mô-thê 1:15; 4:9-16). Nếu Chúa không ở cùng, "bảo vệ và bổ sức" (I Ti-mô-thê 4:17) thì dù người đầy ơn như Phao-lô cũng khó lòng chịu nỗi. "Hai người hơn một... một sợi dây đánh ba tao lấy làm khó đứt" (Truyền-đạo 4:9-12). Bạn và tôi cần có bạn thân để khi gần nhau thì gặp mặt đàm luận về việc Chúa hoặc lúc xa nhau viết thư tâm tình chia sẻ như Giăng và Gai-út vậy.

Lạy Chúa, xin ban cho con những ít nhứt cũng được một người bạn tâm tình để tương giao và chia xẽ ơn phước và gánh nặng trong khi phục vụ Chúa và Hội Thánh.

(c) 2024 svtk.net