Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Lời Mời Ân Sủng

Ma-thi-ơ 22:1-10

"Vậy, các ngươi đi khắp các ngã tư, hễ gặp người nào thì mời cả đến dự tiệc. Đầy tớ đi khắp các đường cái, nhóm lại hết thảy những người họ gặp, bất luận dữ lành, đến nỗi trong phòng đầy những người dự tiệc." (c. #9,10);

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao những người được mời dự tiệc không đến? Những lý do họ nêu ra có chính đáng không? Theo bạn lý do chính họ không đến dự tiệc là gì? Có lúc nào bạn từ chối "lời mời ân sủng" của Chúa không? Khi từ chối bạn sẽ mất mát điều gì?

Câu #1-14 của chương này không phải chỉ là một ví dụ nhưng là hai ví dụ. Chúng ta sẽ nắm được ý nghĩa của chúng dễ dàng và đầy đủ hơn nếu chúng ta nghiên cứu hai ví dụ riêng biệt. Những biến cố của ví dụ này hoàn toàn phù hợp với phong tục bình thường của dân Do Thái. Đối với những bữa tiệc lớn như tiệc cưới, khi thiệp mời được gởi đi thì thời gian không xác định rõ, và khi mọi việc đã xong đâu vào đó thì những người giúp việc mới ra đi mời lần cuối cùng xin quan khác đến dự. Như vậy, vị vua trong câu chuyện này đã gởi thiệp mời lâu rồi nhưng đến khi mọi việc sẵn sàng thì lời mời cuối cùng mới gởi đến và đã bị người ta từ chối cách hỗ nhục. Chuyện này có hai ý nghĩa.

1. Ý nghĩa thứ nhất có tính cách thuần túy địa phương. Ý nghĩa ấy đã được đề cặp trong ví dụ bọn làm vườn gian ác và thêm lần nữa đây là lời tố cáo người Do Thái. Quan khách đã được mời nhưng đến giờ lại từ chối không đến. Họ tiêu biểu cho người Do Thái. Từ xưa họ đã được Đức Chúa Trời mời làm dân tuyển của Ngài, nhưng khi Con Đức Chúa Trời đến thế gian, họ được mời theo Ngài, tin nhận Ngài thì họ đã khinh dễ, đã từ chối lời mời đó. Rốt cuộc lời mời của Đức Chúa Trời đến trực tiếp với những tội nhân và người ngoại bang là những kẻ không bao giờ kỳ vọng được mời vào Nước Trời.

2. Ví dụ này cũng nói đến nhiều điều ở phạm vị rộng hơn, nó nhắc chúng ta.

a. Lời mời của Đức Chúa Trời là mời đến dự một bữa tiệc vui vẻ như một đám cưới. Khi Cơ Đốc nhân được mời là được mời đến để vui vẻ, và chúng ta sẽ mất niềm vui đó nếu chúng ta không nhận lời mời.

b. Những lý do khiến chúng ta khước từ lời mời của Chúa Giê-xu không hẳn là những lý do xấu. Người ra ruộng, kẻ đi buôn bán, không ai từ khước để chơi bời, nhậu nhẹt say sưa, hay làm những việc vô đạo đức. Người ta dễ bận rộn với những điều tạm bợ và quên những điều đời đời. Quá chăm chú nghe những lời mời gọi của thế gian thì khó nghe được tiếng mời gọi êm dịu của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Thảm kịch của đời sống chính là những cái tốt thường làm hỏng điều tốt nhất. Người ta có thể quá bận rộn mưu sinh mà quên lo cho cuộc đời mình, quá bận rộn với việc tổ chức và quản trị đời sống mà quên đi chính đời sống.

c. Chúa Cứu Thế Giê-xu không kêu gọi để chúng ta suy nghĩ nhiều về hình phạt sẽ chịu nếu chúng ta từ chối con đường của Ngài, nhưng để ta nhìn thấy những gì chúng ta thật sự mất mát. Những kẻ không đến đều bị hình phạt, nhưng điều bi đát đích thực chính là họ đánh mất niềm vui của tiệc cưới. Nếu ta từ chối lời mời của Chúa Cứu Thế Giê-xu có ngày chúng ta phải chịu đau đớn giày vò, không phải vì những nỗi khổ mình chịu nhưng vì chúng ta đã đánh mất điều quí báu nhất, và đã tự lừa dối mình.

d. Lời mời của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta là lời mời của ân sủng. Những kẻ được qui tụ từ những nẻo đường không có quyền đòi hỏi gì nơi nhà vua cả. Họ không bao giờ ngờ rằng mình được mời dự tiệc cưới và càng không xứng đáng để dự tiệc đó. Nhưng việc xảy đến với họ bởi lòng quảng đại, lòng hiếu khách tử tế của nhà vua, khiến vua mở rộng đôi tay tiếp đón họ. Bởi ân sủng lời mời được ban ra, và bởi ân sủng mà người ta được họp lại.

Cảm tạ Chúa đã ban lời mời ân sủng. Cảm tạ Chúa bởi ân sủng của Ngài con được đến trong nhà Ngài.

(c) 2024 svtk.net