Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Quyền Của Con Người Và Quyền Của Đức Chúa Trời

Ma-thi-ơ 22:15-22

"Ngài bèn phán rằng: Hình và hiệu này của ai? Họ trả lời rằng: Của Sê-sa. Ngài bèn phán rằng: Vậy hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa, và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời." (c. #20);

Câu hỏi suy ngẫm: Câu hỏi về nộp thuế nhằm đặt Chúa Giê-xu vào tình trạng nan giải nào? Câu trả lời của Chúa đưa ra nguyên tắc nào về mối tương quan của chúng ta với Chúa và xã hội? Bạn áp dụng nguyên tắc này thế nào trong việc thi hành bổn phận của một công dân Nước Trời và công dân trên đất?

Câu hỏi các đạo sĩ Do Thái giáo nêu nhằm đặt Chúa Giê-xu vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu Ngài nói đóng thuế là không đúng luật pháp, lập tức họ sẽ báo cáo với chính quyền La Mã Ngài là kẻ phản loạn, chắc chắn Ngài sẽ bị bắt. Nếu nói đóng thuế là đúng luật thì Chúa sẽ bị mất lòng tin của dân chúng. Đối với người Do Thái, Đức Chúa Trời là Vua duy nhất, họ là quốc gia thần quyền nên việc đóng thuế cho vị vua trần gian có nghĩa là nhìn nhận vương quyền của vua ấy, như thế là xúc phạm Đức Chúa Trời nên đối với những người Do Thái cuồng tín, đóng thuế cho vua ngoại quốc là điều hoàn toàn sai. Những kẻ hỏi Chúa nghĩ rằng dù trả lời thế nào, Ngài cũng tự đặt mình vào tình trạng nan giải.

Nhưng Chúa Giê-xu bảo họ đưa cho Ngài xem một đồng đơ-ni-ê có chạm hình của hoàng đế. Chúa Giê-xu hỏi hình ai trên đồng tiền, họ trả lời là hình của Sê-sa. Chúa Giê-xu phán: "Hãy trả lại cho Sê-sa vật gì của Sê-sa, và trả lại cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời."

Với sự khôn ngoan tuyệt đối, Chúa Giê-xu không bao giờ đặt ra những lẽ thật, răn giới, điều lệ, đó là lý do tại sao sự dạy dỗ của Ngài tồn tại mãi mãi mà không bị lỗi thời. Ngài luôn đưa ra những nguyên tắc rất lớn và quan trọng. Bất cứ Cơ Đốc nhân nào cũng có hai bổn phận công dân. Người ấy là công dân của quốc gia mình đang sống, người ấy được sống an ổn khỏi bị những kẻ vô luật pháp quấy nhiễu là nhờ sự che chở của nhà nước. Người ấy có những dịch vụ công cộng cung ứng cho đời sống như điện, nước đều là nhờ nhà nước. Ở những quốc gia tiên tiến, người dân còn được hưởng những lợi ích khác về giáo dục, y tế, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già. Điều này đặt người dân dưới một món nợ bắt buộc. Vì Cơ Đốc nhân là một người lương thiện nên họ phải là một người dân có trách nhiệm. Không làm trọn bổn phận công dân cũng chính là không làm trọn bổn phận người Cơ Đốc. Người tín đồ có một bổn phận đối với nhà nước để đền đáp lại những lợi ích mà chế độ đó mang lại cho họ.

Nhưng Cơ Đốc nhân cũng là công dân của nước thiên đàng. Có những vấn đề lương tâm, tôn giáo hay nguyên tắc đặt ra trách nhiệm của người tín hữu đối với Đức Chúa Trời. Hai bổn phận công dân có thể sẽ không bao giờ đụng chạm nhau vì không nhất thiết phải như thế. Tuy nhiên khi người tín hữu tin rằng điều nào đó là ý Chúa thì họ phải làm, hoặc nếu họ tin rằng điều đó ngược với ý chỉ Đức Chúa Trời thì họ cần phải chống lại, không được nhúng tay vào, Chúa Giê-xu không nói đến những ranh giới giữa hai bổn phận này; Ngài dành điều đó cho lương tâm mỗi người phán đoán. Tuy nhiên, đây là chân lý vĩnh viễn mà Chúa đã đưa ra: một Cơ Đốc nhân chân thật phải là một công dân tốt của đất nước đồng thời cũng là một công dân của thiên quốc. Người ấy không làm trọn bổn phận đối với Đức Chúa Trời thì cũng không làm trọn bổn phận đối với con người. Họ phải "Kính sợ Đức Chúa Trời và tôn trọng vua" (I Phi-e-rơ 2:17).

Lạy Chúa, xin giúp con làm trọn bổn phận của người dân trên đất cũng như công dân thiên đàng.

(c) 2024 svtk.net