Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Tôn Giáo Của Sự Khoa Trương

Ma-thi-ơ 23:5-12

"Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên."(c. #12);

Câu hỏi suy ngẫm: Các đạo sĩ Do Thái giáo phô trương lối sống đạo của họ như thế nào? Sự kiêu ngạo tự mãn của họ cản trở mối tương giao của họ với Chúa ra sao? Lối sống đạo nào của chúng ta làm Chúa hài lòng?

iáo của các đạo sĩ Do Thái giáo hầu như đã trở thành một tôn giáo của sự phô trương. Nếu tôn giáo chỉ gồm việc tuân thủ vô số luật lệ và răn giới thì người ta dễ nhìn thấy, ai cũng biết mức độ tuân thủ của mình cũng như lòng sốt sắng của mình. Chúa Giê-xu dẫn chứng một số hành động và tập quán mà các đạo sĩ Do Thái giáo thường dùng để phô trương.

Họ mang cái thể bài cho rộng. Lệnh truyền của Đức Chúa Trời trong Xuất Ê-díp-tô Ký 13:9 nói rằng: "điều đó làm một dấu hiệu nơi tay ngươi, làm một kỷ niệm ghi nơi trán ở giữa cặp mắt ngươi." Câu nói đó được lập lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 13:16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:8; 11:8 "ấy sẽ là một dấu hiệu nơi tay ngươi và ấn chí nơi trán giữa cặp mắt ngươi." Để thực thi những điều giới răn này, người Do Thái đã đeo và đến nay vẫn còn đeo các thẻ bài khi cầu nguyện. Những đạo sĩ Do Thái giáo muốn gây sự chú ý của người khác, không những chỉ đeo những thẻ bài nhưng còn đeo những thẻ lớn đặc biệt để phô trương sự vâng giữ Luật Pháp gương mẫu và sự sốt sắng gương mẫu của chính mình.

Họ xủ cái tua áo cho dài. Trong Đa-ni-ên 15:37-41; Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:12 chúng ta đọc thấy Đức Chúa Trời ra lịnh cho dân Ngài hãy làm một cái tua nơi các chéo áo để khi họ nhìn thấy chúng thì nhớ lại các mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Những cái tua này được mang nơi bốn chéo áo ngoài. Sau này họ mang nơi áo trong. Người ta cũng dễ làm những cái tua áo này cho rộng để phô bày lòng sốt sắng và gây sự chú ý của người khác.

Hơn thế nữa, đạo sĩ Do Thái giáo thích được ngồi trong những nơi chính của bữa ăn, bên tay trái hay tay mặt của chủ nhà. Họ thích ngồi những ghế trước trong nhà hội; ở Palestine những ghế phía sau thường dành cho trẻ em và những người không quan trọng; ngồi càng gần đằng trước thì càng vinh dự. Ghế danh dự là ghế dành cho các trưởng lão đối diện với hội chúng, ai ngồi đó thì mọi người sẽ nhìn thấy sự có mặt của họ, họ có thể ngồi suốt buổi lễ với phong thái sùng kính mà hội chúng không thể không nhìn thấy. Đạo sĩ Do Thái giáo còn thích người ta gọi mình bằng thầy, và tỏ lòng tôn kính họ. Họ muốn được tôn trọng hơn sự tôn trọng người ta dành cho cha mẹ vì họ nói rằng cha mẹ chỉ lo cho họ đời sống thể chất bình thường còn thầy dạy đạo thì lo cho họ sự sống đời đời. Họ còn thích gọi là cha như Ê-li-sê gọi Ê-li (II Các Vua 2:12). Đó là những người cha đức tin như mọi người đều biết.

Chúa Giê-xu nhấn mạnh rằng người tín hữu phải biết mình có một thầy duy nhất là Chúa Cứu Thế Giê-xu và có một Cha duy nhất trong đức tin là Đức Chúa Trời.

Hành động và cách ăn mặc của đạo sĩ Do Thái giáo để lôi kéo mọi người chú ý đến mình, nhưng hành vi của Cơ Đốc nhân là phải từ bỏ mình để khi người ta nhìn thấy hành vi đạo đức đó thì họ có thể ngợi khen Cha trên trời chứ không ngợi khen mình. Bất cứ tôn giáo nào làm nẩy sinh sự phô trương nơi hành động và sự kiêu căng trong lòng là một tôn giáo sai lệch.

Chúa ơi xin giúp con từ bỏ tính phô trương dù ở khía cạnh nào của đời sống con và cho qua nếp sống con Chúa được tôn ngợi.

(c) 2024 svtk.net