Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Từ Khước Tiếng Gọi Của Tình Yêu

Ma-thi-ơ 23:37-39

"Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các Đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh mà các ngươi chẳng khứng" (c. #37).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong quá khứ, Chúa đã làm gì cho dân Ngài? Họ đáp ứng ra sao? Chúa Giê-xu đã diễn tả tình yêu của Ngài thế nào trong câu #37? Chúa đang kêu gọi bạn làm gì? Bạn đáp ứng ra sao?

Đây là thảm kịch đau lòng của tình yêu bị khước từ. Tại đây Chúa Giê-xu không nói với giọng của một vị thẩm phán nghiêm khắc, nhưng với giọng của một người yêu thương linh hồn người ta.

Câu chuyện này soi rọi ánh sáng kỳ lạ trên đời sống Chúa Giê-xu. Theo ký thuật của các sách Phúc Âm, từ khi bắt đầu giảng đạo công khai, chúng ta không thấy ghi Chúa Giê-xu về Giê-ru-sa-lem cho đến khi Ngài về đó dự lễ Vượt Qua lần cuối cùng. Như thế các sách Phúc Âm đã bỏ qua nhiều sự kiện, vì Chúa Giê-xu không thể nói điều này trừ khi Ngài đã đến Giê-ru-sa-lem nhiều lần và đưa ra nhiều lời kêu gọi đối với dân chúng. Do đó, qua các sách Phúc Âm, chúng ta chỉ có những nét sơ lược nhất của đời sống Chúa Giê-xu . Đoạn này cho thấy bốn chân lý quan trọng.

1. Sự nhẫn nhục của Đức Chúa Trời. Giê-ru-sa-lem đã giết các Đấng tiên tri và ném đá các sứ giả của Ngài, thế mà Đức Chúa Trời không trừ diệt nó, cuối cùng Ngài còn sai Con Ngài đến. Chúng ta thấy lòng kiên trì vô giới hạn trong tình yêu của Đức Chúa Trời khiến Ngài phải chịu đựng tội lỗi của con người mà không tiêu diệt họ.

2. Sự kêu gọi của Chúa Giê-xu. Ở đây Ngài nói như một người yêu. Ngài không dùng vũ lực để xông vào, vũ khí duy nhất Ngài xử dụng là lời kêu gọi đầy tình yêu. Ngài đứng giang tay mời gọi, một lời mời mà người ta có bổn phận phải nhận lấy hay khước từ.

3. Sự cố tình phạm tội của con người. Người ta nhìn thấy Chúa Cứu Thế với lời mời gọi thiết tha của Ngài và người ta khước từ lời mời đó. Bên ngoài cửa lòng con người không có quả nắm nào cả, nó phải được mở từ bên trong, và phạm tội là cố tình khước từ lời mời gọi đầy tình thương của Chúa Cứu thế Giê-xu.

4. Hậu quả sự từ khước Chúa Giê-xu. Chỉ trong vòng 40 năm sau, vào năm 70 S.C thành Giê-ru-sa-lem chỉ còn một đống gạch vụn. Sự tàn hại đó là hậu quả trực tiếp của việc khước từ Chúa Giê-xu, nếu người Do Thái chấp nhận đường lối yêu thương của Đức Chúa Trời, từ bỏ con đường bạo lực chính trị thì La Mã đã không bao giờ đem sức mạnh để trả thù. Quốc gia nào từ khước Đức Chúa Trời sẽ bị tai họa, đó là một sự kiện lịch sử.

Lạy Chúa, xin giúp con biết lắng nghe lời kêu gọi của Ngài và ban cho con tấm lòng đầu phục Ngài.

(c) 2024 svtk.net