Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Lừa Dối

Sáng-thế Ký 27:1-29

"Bởi đức tin, Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự hầu đến" (Hê-bơ-rơ 11:20).

Câu hỏi suy ngẫm: Đối với dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, tôi chúc phước của người sắp qua đời quan trọng thế nào? Bằng cách nào Gia-cốp đã được cha chúc phước? Ông nhận được những lời chúc phước lành nào? Bạn có suy nghĩ gì về những mưu kế của người và ý định của Đức Chúa Trời?

Đây là câu chuyện ghi lại một điều không mấy tốt đẹp mà vợ và con của ông Y-sác đã làm. Một lần nữa chúng ta thấy Thánh Kinh ghi lại cả gương tốt lẫn gương xấu để chúng ta noi theo hoặc tránh đi.

Y-sác lúc này đã già (khoảng 137 tuổi), mắt đã làng, không còn nhìn thấy gì nữa. Ông gọi Ê-sau đến nói: "Cha đã già rồi, chẳng biết ngày nào phải chết" (c. #2). Ngày xưa, khi một người tuyên bố:"Tôi đã già rồi", thì con cháu trong gia đình hiểu ngay rằng người ấy sắp trối trăn những lời quan trọng cuối cùng. Y-sác thấy mình đã già yếu nên chuẩn bị để chúc phước cho Ê-sau, nhưng bà vợ ông đã lập mưu để ông chúc phước cho Gia-cốp.

Phân đoạn Kinh Thánh này đã cho chúng ta đầy đủ những chi tiết trong câu chuyện nên chúng ta chỉ tìm những bài học để áp dụng vào đời sống.

1. Y-sác được Chúa cho biết trước Ê-sau sẽ phải phục tùng Gia-cốp và con cháu của Gia-cốp sẽ hùng mạnh hơn con cháu Ê-sau. Nhưng vì thương Ê-sau hơn nên ông đã bỏ qua lời tiên tri của Chúa và nhất định chúc phước cho Ê-sau.Y-sác để tình cảm riêng tư và lòng thiên vị lên trên ý Chúa.

2. Dù biết Ê-sau coi thường quyền làm con trưởng, và dù những người vợ ngoại quốc của Ê-sau đã làm cho ông đau buồn (Sáng-thế Ký 26:35), Y-sác vẫn nhất định chúc phước cho Ê-sau. Y-sác yêu thương và muốn ban hết phước lành cho Ê-sau chỉ vì Ê-sau thỏa mãn ý thích tầm thường của ông: Ê-sau giỏi về săn bắn mà ông thì thích ăn thịt rừng.

3. Sở dĩ có chuyện này không hay xảy ra là vì vợ chồng ông -sác không hiệp nhất, mỗi người một ý, mỗi người có một đứa con cưng và ai cũng muốn cho đứa con mình yêu quý được phần hơn. Khi vợ chồng không đồng một lòng một ý, nhất là trong việc nuôi dạy con cái, dễ đi đến chỗ đối xử không công bình với con cái, và từ dó gia đình dễ có sự bất hòa, hiểu lầm và con cái lớn lên dễ trở thành phản loạn, cay đắng với cha mẹ hoặc với nhau.

4. Bà Rê-bê-ca là người nhiều mưu kế. Bà không làm gương tốt cho con. Không những bà nói dối nhưng còn dạy cho con nói dối.Bà là ngươi mẹ đã để lại ảnh hưởng xấu trên con cái, chính vì học tính nói dối của mẹ nên về sau này, cả cuộc đời của Gia-cốp đầy những toan tính gian dối. Câu #20 cho thấy Gia-cốp đã dám đem Chúa ra để biện minh cho lời nói dối của mình. Đây là một lỗi lầm mà nếu không cẩn thận, chúng ta cũng dễ mắc phải.

5. Bà Rê-bê-ca đã lừa ối các giác quan của chồng: cho ông nếm món ăn ngon giống như của Ê-sau, sờ vào tấm da thú giống như cánh tay lông lá của Ê-sau, ngửi mùi trên áo của Ê-sau. Lúc đó tuy Y-sác không thấy rõ nhưng ông còn nghe được. Ông nhận ra tiếng nói không phải là tiếng nói của Ê-sau, nhưng món ăn ngon đã làm mù lòng ông, nên ông đã bị lừa một cách dễ dàng. Trong đời sống hằng ngày, Chúa cho chúng ta những giác quan bén nhạy để chúng ta thấy rõ cám dỗ, nhưng lắm khi chúng ta không thắng được cám dỗ vì đã bị những điều khác làm cho mù quáng nên cứ "nhắm mắt đưa chân". Xin Chúa giúp chúng ta nhạy cảm trước lời cảnh cáo của Ngài và cũng có đủ nghị lực để không chìu theo những lôi cuốn của cám dỗ.

Cảm ơn Chúa cho con thấy những gương tốt cũng như gương xấu của người xưa. Xin giúp con cẩn thận làm theo lời Chúa dạy để tránh những lỗi lầm của người đi trước.

(c) 2024 svtk.net