Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Phúc Lành Hứa Ban

Khải-huyền 1:1-3

"Phúc cho người đọc sách này cũng như người nghe và thực hành, vì những việc này sắp xảy ra" (c. #3,TKHĐ)

Câu hỏi suy ngẫm: Theo câu #3 ai là người được phước? Phuớc ở đây là gì? Đối với lời Đức Chúa Trời, bạn đã làm những điều Chúa dạy trong câu #3 như thế nào? Lời Đức Chúa Trời đã tác dụng thế nào trên đời sống bạn?

Trong thời kỳ sách Khải Thị ban hành thì chỉ có một bản tại các Hội Thánh, khi tín hữu họp lại thì đem ra đọc cho họ nghe. Rồi những bản cổ sao ra đời, được sao lại từ nguyên bản cách rất cẩn thận và công phu, tốn kém nhiều thì giờ và tiền bạc nên ít ai có thể có được một bản riêng cho mình, Chúa hứa ban phúc cho người đọc sách này và người nghe đọc sách này. Chỉ đọc và nghe không cũng đã được phúc rồi. Và khi cả hai người đọc và người nghe thực hành điều đã đọc và đã nghe thì lại càng được phúc nhiều hơn nữa. Chúng ta chỉ đúng khi chú tâm về việc thực hành lời Chúa như Gia-cơ dạy rằng: 'Đạo Chúa không phải chỉ để nghe suông nhưng để thực hành. Đừng tự dối mình, cho rằng chỉ nghe là đủ" (#1:22). nhưng nếu không đọc, không nghe thì làm sao thực hành? Đọc và nhe lời Kinh Thánh là đã vâng lời Chúa, và người vâng lời Chúa thì được phúc. khi thực hành thì lại được phúc thêm. Lời Chúa không chỉ là những mệnh lệnh cho chúng ta phải làm theo, những lời dạy khuyên mà chúng ta phải tuân hành, những "kim chỉ nam" chúng ta phải đi theo, nhưng còn là những lời an ủi, những lời khích lệ, những giải đáp thắc mắc, những khải thị về tương lai,v.v… mà chúng ta không tìm được ở một sách nào khác. Nếu lời Chúa được ví như thức ăn thì sự đọc và nghe có nghĩa là ăn nuốt thì nhờ đó đã được phúc rồi.

Muc sư tiến sĩ YongiCho, khi được một nữ sinh vô danh hướng dẫn tin theo Chúa thì cũng được cô tặng cho một quyển Kinh Thánh và bảo ông hãy đọc. Ông mở ra trang đầu (Ma-thi-ơ 1:1-17) thấy đầy những tên khó đọc, ông nói rằng chẳng khác gì quyển điện thoại niên giám, ông thấy chán quá, không muốn đọc. Hơn nữa, trong lúc ông đau gần chết mà đọc thấy nói về ông này sinh ông kia, ông kia sinh ông nọ khiến ông lại càng chán thêm. Khi cô nữ sinh kia trở lại thăm, hỏi ông có đọc Kinh Thánh chưa, ông trả lời như trên. Cô ấy hỏi ông có ăn cá không, ông nói có: cô hỏi tiếp khi ăn cá gặp xương thì sao, ông trả lời để xương qua một bên, chỉ ăn thịt mà thôi. Cô tiếp rằng sự đọc Kinh Thánh cũng giống như thế, những chỗ nào khó hiểu hãy để qua một bên, hãy tiếp thu những chỗ hiểu được thì đủ rồi, những chỗ khó hiểu lần lần về sau sẽ hiểu được khi Chúa khải thị cho. Ít ai hiểu được ý nghĩa bản gia phả Chúa Giê-xu nên nhiều khi đọc Kinh Thánh thì bỏ qua 17 câu này, chỉ bắt đầu sách Ma-thi-ơ 1:18. Nhưng nếu có ai đọc quyển sách nhỏ của cụ cố Mục sư Quốc Foc Wo (Quách Phục Hòa) tựa đề Ý Nghĩa Gia Phổ Chúa Giê-xu thì sẽ thấy đọan Kinh Thánh này chứa đựng biết bao nhiêu ý nghĩa sâu nhiệm. Vợ chồng chúng tôi có thói quen chẳng những đọc riêng suốt Kinh Thánh theo chương ghi trong Sống Với Thánh Kinh, mà còn đọc chung mỗi sáng một đoạn Cựu Ước, mỗi tối một đoạn Tân Ước. Nhiêu khi đọc chung xong một đọan sách tiên tri nào đó, vợ chồng nhìn nhau như cùng nói:"Không hiểu gì hết!" Tuy nhiên, chúng tôi cứ trrung tín đọc hết từ đầu đến cuối, tin rằng: "Một khi trời đất vẫn còn thì không một chi tiết nào trong luật pháp bị xóa bỏ trước khi mục đích luật pháp được hoàn thành" Và khi cần thì Chúa khải thị cho được hiểu lời Ngài. Hơn nữa, Chúa hứa ban phước cho người đọc, nghe và thực hành theo những khải thị được ghi chép ra đây "vì những việc này sắp xảy ra"

Lạy Chúa, xin giúp con tin lời Chúa hứa và trung tín đọc, nghe và thực hành theo lời Chúa dạy, con cảm ơn Ngài.

(c) 2024 svtk.net