Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 31

Cảm Tạ Vì Anh Em

Cô-lô-se 1:3-8

"Phúc Âm đã truyền đến anh em, cũng được quảng bá khắp thế giới, kết quả và phát triển mọi nơi cũng như đổi mới đời sống anh em ngay từ ngày anh em nghe và hiểu được ân phúc của Thượng Đế." (c. #6, TKHĐ)

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô cảm tạ về những đặc điểm nào nơi các tín hữu Cô-lô-se? Những đặc điểm này quan trọng và liên hệ ra sao trong đời sống tín hữu? Những đặc điểm này ảnh hưởng thế nào trên thế giới mà người tín hữu đang sống? Làm sao để những đặc điểm này luôn nẩy nở trong đời sống chúng ta?

Hai câu #3, 4 tương tự như Phi-lê-môn #Phm 1:4,5: sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu ở Cô-lô-se như ông đã cầu nguyện cho Phi-lê-môn. Ông tạ ơn Chúa về đức tin và lòng yêu thương của họ đối với người khác. Đây cũng là hai mối liên hệ chúng ta cần gìn giữ và phát triển: niềm tin nơi Chúa và lòng yêu thương đối với người khác.

Phao-lô cũng nói về hy vọng của người tin Chúa trong câu #5. Hy vọng đó là "cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em" (I Phi-e-rơ 1:4). Là người tin Chúa, hy vọng của chúng ta không phải chỉ có trong đời này nhưng là hy vọng vĩnh cửu ở thiên đàng. Nhìn vào hy vọng đó, chúng ta sẽ thấy rõ đâu là giá trị thật của đời sống và sẽ có thái độ khác trong cách cư xử với người chung quanh. Chúng ta thấy Phao-lô nói về ba điều: đức tin nơi Chúa, lòng yêu thương đối với các anh em tín hữu và hy vọng về tương lai huy hoàng đang chờ đón.

Nếu mọi người tin Chúa đều sống đúng với ba điều đó, chúng ta sẽ được vui vẻ và thỏa mãn thật sự. (Ba điều này Phao-lô cũng nói trong I Cô-rinh-tô 13:13: đức tin, hy vọng và tình yêu).

Trong câu #6, Phao-lô cho thấy tác dụng của Phúc Âm trên đời sống của người tin Chúa. Phúc Âm hay Tin Lành là toàn bộ giáo lý về Chúa Giê-xu được ghi trong Thánh Kinh mà chúng ta đã tiếp nhận. Tin nhận Chúa Giê-xu và thực hành lời Chúa dạy là chúng ta đã sống với Phúc Âm. Không ai có thể phủ nhận tác dụng mạnh mẽ của Phúc Âm trong đời sống những người đã tiếp nhận Chúa. Nếu chưa kinh nghiệm được tác dụng đó là chúng ta chưa thực sự tiếp nhận Phúc Âm hoặc chưa thực sự sống theo Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Là người tin Chúa, đời sống của chúng ta phải "kết quả" và "tiến bộ" (c. #6). Nếu thiếu hai điều đó, chúng ta cần xét lại đức tin của chúng ta trước mặt Chúa.

Ông Ê-pháp-ra nhắc đến trong câu #6 là "người bạn đồng tù" với Phao-lô (#Phm 1:23). Ông là người ở Cô-lô-se (#4:12), đến La Mã thăm Phao-lô và cho biết tin tức Hội Thánh tại đó nên Phao-lô đã viết thư Cô-lô-se. Có lẽ Ê-pháp-ra đã ở lại La Mã một thời gian để giúp Phao-lô cũng là người đã truyền giảng Phúc Âm và thành lập Hội Thánh Cô-lô-se nên Phao-lô gọi ông là "bạn đồng sự thiết nghĩa", "kẻ giúp việc trung thành của Đấng Christ".

Xin giúp con sống trung tín với Chúa, yêu thương người chung quanh và sống trong hy vọng về ngày Chúa trở lại để con thật sự là người cùng phục vụ Chúa với những người khác.

(c) 2024 svtk.net