Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Trở Nên Trọn Vẹn

Cô-lô-se 1:27-29

U Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời." (c. #28)

Câu hỏi suy ngẫm: Những từ: "rao giảng", "răn bảo", "dạy dỗ" có ý nghĩa gì? Làm những điều này Phao-lô mong muốn đạt đến mục tiêu nào? Với sức mạnh nào? Bằng cách nào các bạn có thể giúp người khác tăng trưởng đức tin?

Trong phần Kinh Thánh đọc hôm qua, sứ đồ Phao-lô gọi Phúc Âm của Chúa là một huyền nhiệm. Trong các câu vừa đọc, ông cho biết huyền nhiệm đó là: "Đấng Christ ở trong anh em" (c. #27). "Đấng Christ ở trong anh em" nghĩa là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã trở thành người, sống giữa mọi người để con người có thể biết Thượng Đế và tin nhận Ngài. Chính sự kiện Chúa ở với chúng ta đã đem đến cho chúng ta "sự trông cậy về vinh hiển" (c. #27 b). Nói khác đi, nhờ Chúa Giê-xu giáng trần và chịu chết mà chúng ta có được hy vọng vinh quang. Hy vọng đó là chúng ta sẽ được về ở với Chúa đời đời trong nước của Ngài.

Mục đích của Phao-lô trong phần Kinh Thánh này là đề cao Chúa Giê-xu; vì vậy, một lần nữa, ông nhấn mạnh: "Ấy là NGÀI mà chúng tôi rao giảng" (c. #28 a). Sứ đồ Phao-lô không nói điều gì khác hơn là chính Chúa Giê-xu. Ông răn bảo và dạy dỗ mọi người để họ trở nên toàn hảo trước mặt Chúa (c. #28 b). Phao-lô không dạy bảo mọi người bằng sự khôn ngoan riêng nhưng với sức của Chúa. Ông nói: "Nhờ sức Ngài giúp đỡ và chiến đấu, là sức hành động cách có quyền trong tôi." (c. #29)

Những điều chúng ta học được trong phân đoạn Thánh Kinh này là:

1. Chúa rất gần với chúng ta. Chính Ngài đã từng mang thân xác như chúng ta, ở với chúng ta, nhờ đó chúng ta có hy vọng tươi sáng và sống động trong Chúa.

2. Khi rao truyền đạo Chúa, chúng ta không nên nói gì khác hơn là trình bày chính Chúa Giê-xu. ("Ấy là NGÀI mà chúng tôi rao giảng").

3. Khi nói về Chúa cho người khác, chúng ta chẳng những RĂN BẢO nhưng cũng phải DẠY DỖ. Dạy dỗ nghĩa là hướng dẫn, chỉ bảo cách cặn kẽ, giáo dục nghiêm túc chứ không phải chỉ trình bày vấn đề cách tổng quát, hời hợt.

4. Chúng ta cần sự khôn ngoan và sức của Chúa để trình bày về Chúa vì chúng ta không thể làm việc của Chúa bằng sức của mình.

Cám ơn Chúa đã đến với loài người và vẫn tiếp tục sống trong con để con có thể trình bày Chúa cho người khác cách rõ ràng. Xin giúp con không làm gì khác hơn là nói về chính Chúa cho mọi người với sức mạnh và khôn ngoan của Chúa.

(c) 2024 svtk.net