Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Một Quyển Sách Cho Hội Thánh

Khải-huyền 1:9-11

"Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê." (c. #11)

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Giăng chép những gì vào quyển sách để gởi cho bảy Hội Thánh? Tại sao chỉ gởi cho bảy Hội Thánh này mà thôi? Trong hoàn cảnh lao tù, làm sao Giăng thực hiện được điều đó? Có ích lợi gì cho các Hội Thánh và chúng ta ngày nay?

Ấy là vào ngày của Chúa, và được Thánh Linh cảm hóa sứ đồ Giăng đã nghe lệnh truyền phải chép những gì ông thấy vào một quyển sách rồi gởi cho bảy Hội Thánh trong Tiểu Á. Hoạn nạn lao tù không thể ngăn trở người thánh của Chúa nghe tiếng Ngài và được Ngài sử dụng, trái lại những trở lực ấy thường tạo cho họ những cơ hội đặc biệt tương giao mật thiết với Chúa và những môi trường hiếm có để phục vụ Ngài.

"Được Thánh Linh cảm hóa" là kinh nghiệm đặc biệt của sứ đồ Giăng, cũng được thấy trong Khải-huyền 4:2; 17:3; 21:10, có thể so sánh với kinh nghiệm của Phi-e-rơ trong Công-vụ các Sứ-đồ 10:10 hoặc của sứ-đồ Phao-lô trong II Cô-rinh-tô 12:2,4. Ấy là trạng thái xuất thần nhập định (trance, ecstasty). Richard of St. Victor (qua đời 1173) giải thích trạng thái ấy, "dường như là một sự chia cắt hồn và linh bởi gươm Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Thân thể ngủ, và hồn với tất cả thế giới hữu hình bị đóng lại. Linh được tiếp xúc với Chúa và làm một cùng Ngài, vượt lên và qua tất cả mọi giới hạn của tư tưởng loài người." (Word studies in the NT, Marvin R. Vincent, vol. II, trg 423-424). Hãy coi chừng thần cảm giã mạo (I Giăng 4:1-6).

Nhiều bản dịch cũ, như bản King James chẳng hạn, bắt đầu câu #11 với những lời giống như những lời trong câu #8 "Ta là An-pha và Ô-mê-ga, Đầu tiên và Cuối cùng", là danh xưng của Chúa Cứu Thế Giê-xu, nói lên sự Vĩnh hằng của Ngài, và sự quan trọng vô cùng của sứ điệp mà Giăng sắp nhận được để viết vào quyển sách. Từ xưa đến nay có giáo chủ nào dám xưng danh như thế không?

Những tài liệu ngày xưa thường ghi trên đất sét hoặc trên đá, trên da cừu, hay là trên giấy cỏ chỉ (papyrus). Nếu viết trên da cừu hoặc trên giấy cỏ chỉ thì cuốn lại thành từng cuốn (cuốn sách!). Giăng bị cấm giảng đạo nhưng không bị cấm viết sách. Khi Chúa bảo làm một việc gì thì Ngài sẽ chu cấp cho ân tứ, khả năng và phương tiện để thực hiện. Nhiều tôi tớ Chúa đã viết nhiều sách rất quí báu trong khi ngồi tù, ví như John Bunyan đã viết Hành Trình Vào Vĩnh Cửu (Thiên Lộ Lịch Trình) trong khám tù Bedford ở Anh quốc chẳng hạn. Cảm tạ ơn Chúa!

Có nhà giải Kinh nói rằng khi Giăng viết sách Khải Thị vào khoảng năm 96 SC, thì ở Tiểu Á đã có ít nhứt là vài trăm Hội Thánh nhỏ, nhưng tại sao Chúa truyền chỉ gửi cho 7 Hội Thánh như kể trên. Có lẽ vì các Hội Thánh này có nan đề, hoặc có những ưu khuyết điểm chung thường thấy trong các Hội Thánh khác nên chỉ gửi cho các Hội Thánh ấy thì cũng đủ ích lợi cho toàn thể. Hơn nữa 7 Hội Thánh này phản ánh toàn cảnh Hội Thánh của Chúa trên đất trải qua các thời đại. Cảm tạ ơn Chúa vì Ngài luôn luôn có những sứ điệp thích ứng cho con cái Ngài trong mỗi thời đại. Có khi nào bạn đọc Kinh Thánh mà thấy như là Chúa phán dạy trực tiếp với mình đáp ứng đúng nhu cầu tâm linh của mình không?

Lạy Chúa, cảm tạ ơn Ngài ban cho con Lời hằng sống của Ngài đáp ứng đúng nhu cầu tâm linh của chính mình con.

(c) 2024 svtk.net