Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Tiêu Tan Nhuệ Khí

Ma-thi-ơ 26:57-58; Ma-thi-ơ 26:69-75

"Phi-e-rơ nhớ lại lời Đức Chúa Giê-xu đã phán rằng: Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần. Đoạn, người đi ra và khóc lóc cách đắng cay." (c. #75)

Câu hỏi suy ngẫm: Lý do nào Phi-e-rơ theo Chúa, dầu xa xa, khi Ngài bị bắt? Tại sao ông đã chối Chúa? Bạn học được những ưu điểm và những nhược điểm nào nơi Phi-e-rơ? Tại đây bạn học được gì về tình yêu của Chúa?

Không ai đọc đoạn này mà không xúc động bởi sự trung thực vô cùng kinh ngạc của Tân Ước. Nếu có một sự kiện cần giữ kín thì chính là biến cố này, nhưng ở đây nó được thuật lại với tất cả nét nhục nhã. Thay vì dìm câu chuyện, Phi-e-rơ đã biến nó thành một phần quan trọng trong sách Phúc Âm.

Cứ mỗi lần kể lại chuyện này thì Phi-e-rơ có thể nói: "Chúa Giê-xu tha thứ như thế đấy, Ngài tha thứ cho tôi khi tôi bỏ rơi Ngài vào giờ phút cần thiết nhất của Ngài. Đó là điều Chúa Giê-xu đã làm, Ngài vẫn yêu tôi và dùng tôi, một tên Phi-e-rơ hèn nhát." Đừng bao giờ quên chính Phi-e-rơ là người kể lại sự xấu hổ của tội lỗi mình để mọi người có thể đọc và biết rõ hào quang của tình yêu tha thứ và quyền năng tẩy xóa tội lỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Nếu nhìn Phi-e-rơ với thái độ lên án không thiện cảm thì đó là điều sai lầm. Tai biến xảy đến cho Phi-e-rơ là tai biến xảy đến cho một người can đảm. Trong khi các môn đồ khác bỏ chạy, một mình Phi-e-rơ ở lại. Ở Palestine, nhà cửa những người giàu có thường xây theo lối một dãy nhà bao quanh khoảng sân lộ thiên ở giữa. Các cửa phòng đều mở hướng về phía sân. Phi-e-rơ bước vào sân nhà của thầy tế lễ cả như bước vào hang cọp, thế mà ông vẫn làm. Dù câu chuyện kết thúc thế nào, nó cũng được bắt đầu với một Phi-e-rơ can đảm.

Lần chối Chúa đầu tiên xảy ra trong sân nhà thầy tế lễ cả. Người đầy tớ gái nhận ra Phi-e-rơ là một trong những người theo Chúa nổi bật nhất. Sau khi bị nhận diện, đáng lẽ Phi-e-rơ bỏ chạy để cứu mạng sống, nhưng Phi-e-rơ thì không, dù ông có lui ra phía cổng.

Phi-e-rơ bị tranh chấp giữa hai tình cảm, một nỗi lo sợ trong lòng khiến ông muốn bỏ chạy, nhưng tình yêu trong lòng giữ ông lại. Một lần nữa Phi-e-rơ bị nhận diện ở cổng, lần này ông thề là không biết Chúa Giê-xu, dù vậy Phi-e-rơ vẫn không bỏ đi. Điều này cho thấy ông rất can đảm.

Tuy nhiên trong khi chối Chúa lần thứ hai, ông bị nhận ra là người Ga-li-lê bởi giọng nói của ông. Giọng nói người Ga-li-lê cục mịch nên họ thường không được tuyên đọc lời chúc phước trong các buổi lễ ở nhà hội. Một lần nữa ông bị tố cáo là môn đồ của Chúa Giê-xu vì là người Ga-li-lê. Lần này ông thề là không biết Chúa Giê-xu. Dù vậy ông cũng không có ý định rời khỏi đó, và rồi gà gáy.

Điều gì đã xảy ra cho Phi-e-rơ sau đó chúng ta không biết. Tuy nhiên trước khi kết án Phi-e-rơ, chúng ta phải nhớ rõ rằng rất ít người trong chúng ta có đủ can đảm để vào sân nhà của thầy tế lễ thượng phẩm như Phi-e-rơ, và còn một điều sau cùng cần nói lên là chính tình yêu khiến ông có đủ can đảm đó. Chính tình yêu đã giữ chân ông ở đó mặc dầu ông đã bị nhìn mặt đến ba lần, chính tình yêu khiến ông nhớ lại lời của Chúa, cũng chính tình yêu khiến ông ra ngoài khóc lóc đắng cay. Và tình yêu che đậy vô số tội lỗi. Ấn tượng sâu xa của câu chuyện này không phải là sự hèn nhát của Phi-e-rơ nhưng là tình yêu của Phi-e-rơ.

Lạy Chúa xin giúp con yêu Ngài như Phi-e-ơ và tha thứ cho con như Ngài tha thứ Phi-e-rơ.

(c) 2024 svtk.net