Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Người Kết Án Tử Hình Chúa Giê-xu

Ma-thi-ơ 27:1-2; Ma-thi-ơ 27:11-26

"Phi-lát thấy mình không thắng nổi chi hết, mà sự ồn ào càng thêm, thì lấy nước rửa tay trước mặt thiên hạ, mà nói rằng: Ta không có tội về huyết của người này; điều đó mặc kệ các ngươi." (c. #24)

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu bị giới chức Do Thái cáo buộc những tội nào? Tại sao Phi-lát không muốn kết án Chúa Giê-xu? Tại đây bạn có nhận xét gì về con người Phi-lát và rút ra bài học nào cho chính bạn?

Hai câu đầu của đoạn này mô tả một phiên họp chớp nhoáng của Tòa Công Luận được triệu tập vào sáng sớm để đưa ra một bản cáo trạng chính thức cuối cùng để kết án Chúa Giê-xu. Sở dĩ điều này cần thiết vì người Do Thái có thể quyết định một bản án bình thường nhưng không có quyền quyết định một bản án tử hình. Án tử hình do quan tổng đốc La Mã quyết định và giới chức La Mã thi hành. Vì vậy Tòa Công Luận phải hình thành một cáo trạng để họ có thể đến Phi-lát đòi ông ra lệnh xử tử Chúa Giê-xu. Tại Tòa Công Luận Chúa Giê-xu bị tố cáo về tội phạm thượng (Ma-thi-ơ 26:65,66), nhưng giới chức Do Thái biết Phi-lát sẽ không nghe họ, và bảo họ về, tự ý giải quyết những tranh chấp về tín ngưỡng riêng của họ. Lu-ca cho ta biết họ đến trước Phi-lát với một cáo trạng gồm ba điểm, tất cả điều là dối trá. Thứ nhất, họ tố cáo Chúa Giê-xu là lãnh tụ cách mạng, thứ hai, Chúa Giê-xu xúi giục dân không nộp thuế, thứ ba, Chúa tự xưng mình là Vua (Lu-ca 23:2). Họ ngụy tạo những lý do chính trị để buộc tội. Họ cố tình nói dối vì họ nghĩ chỉ có tội trạng như vậy Phi-lát mới xét xử, cho nên mọi quyết định giờ đây nằm trong tay Phi-lát.

Phi-lát biết Chúa Giê-xu vô tội. Dầu vậy những việc ông làm sai trái trong quá khứ là một đòn bẩy trong tay người Do Thái buộc ông phải làm theo ý họ, trái với phán đoán và ý thức công lý của ông. Đoạn này cho chúng ta cảm tưởng về một người thua trận, chúng ta thấy Phi-lát không muốn kết án Chúa Giê-xu. Có vài đểm nổi bật ở đây.

1. Phi-lát có một ấn tượng rõ ràng về Chúa Giê-xu. Ông không xem việc Chúa Giê-xu xưng mình là Vua dân Do Thái là điều nghiêm trọng. Phi-lát biết ngay một nhà cách mạng khi ông nhìn thấy, ông biết Chúa Giê-xu không phải là con người làm cách mạng. Sự im lặng của Chúa Giê-xu khiến Phi-lát cảm thấy chính ông là người đang bị xét xử chứ không phải Chúa Giê-xu, đồng thời ông sợ sẽ phải đầu phục quyền năng đó. Vẫn có những người sợ trở thành Cơ Đốc nhân, mặc dầu biết rằng đó là điều nên làm.

2. Phi-lát tìm một lối thoát. Trong ngày lễ người ta có thói quen phóng thích một tù nhân. Phi-lát muốn tìm một lối thoát trong việc tha tù nhân trong lần này, nhưng đám đông chọn tên tội nhân khét tiếng và từ chối Chúa Giê-xu nhơn lành. Họ thích con người tàn bạo hơn là Đấng yêu thương.

3. Phi-lát tìm cách trút bỏ trách nhiệm trong việc kết án Chúa Giê-xu. Ông được cảnh giác bởi lương tâm, bởi phán đoán và bởi giấc mơ của vợ, nhưng ông không thể đương đầu với đám đông và ông đã làm một cử chỉ vô ích: bỏ đi rửa tay. Điều mà con người không bao giờ có thể trút bỏ khỏi mình, đó là trách nhiệm. Phi-lát cũng như mọi người, không bao giờ có thể nói: 'Tôi rửa tay cho hết trách nhiệm' vì trách nhiệm là cái gì không ai, không điều gì có thể cất bỏ khỏi ta được.

Hình ảnh của Phi-lát khiến chúng ta thương hại hơn là ghét bỏ. Vì đây là một người bị quá khứ ràng buộc đến nỗi không thể làm chủ được điều phải làm và muốn làm, Phi-lát là hình ảnh của cuộc đời bi đát.

Chúa ơi xin giúp con mỗi ngày sống ngay thẳng trong sạch trong đường lối Chúa, và luôn nhớ rằng con chịu trách nhiệm về mọi ý nghĩ, quyết định, hành động của mình.

(c) 2024 svtk.net