Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Thập Tự Giá Và Sự Sỉ Nhục

Ma-thi-ơ 27:32-44

"Họ cho Ngài uống rượu trộn với mật đắng; song Ngài nếm, thì không chịu uống." (c. #34)

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa nếm rượu rồi không chịu uống? Trên thập tự Chúa phải chịu những đau đớn nào? Hai tên trộm, những kẻ qua đường, các lãnh đạo tôn giáo đã phản ứng thế nào khi thấy Chúa Giê-xu trên thập tự? Họ tiêu biểu cho những hạng người nào ngày nay?

Câu chuyện Chúa Giê-xu bị đóng đinh không cần bình giải thêm vì tự nó đủ sức mạnh để nói lên những gì cần nói. Điều ta có thể làm là sơn cái nền để bức tranh đó nổi bật lên.

Khi một tử tội bị kết án, người ấy bị dẫn đi đóng đinh. Thông thường tử tội phải vác thanh ngang của cây thập tự mình đến nơi thọ hình, còn thanh thẳng đứng đã để sẵn tại pháp trường. Bản án của tử tội được viết trên một tấm bảng đeo trước cổ tử tội, hoặc được một giới chức mang đi trước đoàn diễn hành và cuối cùng gắn vào cây thập tự. Tử tội bị dẫn đi diễn hành trên một đoạn đường dài để mọi người có thể nhìn thấy anh ta mà cảnh giác. Chúa Giê-xu đã chịu đòn nặng nề, phải chịu sự sỉ vả của bọn lính, Ngài lại đã trải qua một đêm bị xét xử trước đó nên Ngài hoàn toàn kiệt sức, lảo đảo dưới cây thập tự.

Có một người đang đi vào thành tên là Si-môn, người thành Syren ở Bắc Phi. Có thể người này đã dành dụm tiền nhiều năm để đến đây dự Lễ Vượt Qua, và bây giờ anh phải chịu mất mặt, xấu hổ vì bị bắt buộc vác thập tự giá cho Chúa Giê-xu. Khi Mác thuật chuyện này thì ông nói rõ Si-môn là 'cha của A-léc-xan-đơ và Ru-phu' (Mác 15:21). Một sự xác định rõ như vậy chỉ có nghĩa là A-léc-xan-đơ và Ru-phu là những người được biết đến nhiều trong Hội Thánh lúc bấy giờ. Và chắc chắn Chúa Giê-xu đã chiếm được tấm lòng của Si-môn vào cái ngày kinh khủng đó, một ngày làm ông xấu hổ trở thành ngày quang vinh cho ông.

Chỗ đóng đinh Chúa là một ngọn đồi gọi là Gô-gô-tha, vì giống hình một cái sọ. Khi đến nơi, tử tội bị treo lên cây thập tự, và người ta lấy đinh đóng xuyên qua tay, hai chân thường cột lỏng vào cây thập tự. Để làm dịu bớt sự đau đớn, người ta cho tử tội uống một thứ rượu thuốc có ngâm hạt nhũ hương để làm tê liệt mọi giác quan của người ấy. Người ta đưa cho Chúa Giê-xu ly rượu đó nhưng Ngài không chịu uống, vì Ngài chấp nhận một cái chết đau đớn và cay đắng nhất, không tránh né, không giảm thiểu bất cứ chút đau đớn nào.

Tử tội bị dẫn đi hành quyết với bốn lính La Mã đi kèm bốn góc. Tử tội bị đóng đinh trần truồng, chỉ còn lại một mảnh vải nhỏ che thân. Quần áo của tử tội trở thành tài sản của bọn lính. Mỗi người Do Thái có năm thứ vật dụng trong người là đôi giày, cái khăn trùm đầu, cái đai lưng, cái áo trong và áo khoác ngoài. Bốn tên lính chia nhau năm thứ vật dụng của Chúa Giê-xu. Bốn vật trước có giá trị như nhau, nhưng cái áo ngoài thì giá trị hơn cả, Giăng cho biết (Giăng 19:23, 24) chúng bốc thăm để chia nhau áo xống Ngài. Sau khi bọn lính đã chia nhau áo xống của Chúa, chúng bèn ngồi canh phòng cho đến tối. Cùng bị đóng đinh với Chúa có hai tên cướp ở hai bên, Chúa Giê-xu đã thật sự chết chung với tội nhân.

Những câu cuối của đoạn này mô tả Chúa Giê-xu bị người qua đường, giới chức Do Thái và tên cướp cùng bị đóng đinh với Ngài chế nhạo, mắng nhiếc. Những lời nhạo báng xoay quanh lời tự xưng của Chúa và việc Ngài bất lực trên thập tự giá. Đây chính là điểm người Do Thái lầm lẫn trầm trọng. Họ dùng sự vinh hiển của Chúa như một phương tiện để chế giễu Ngài, chúng nói 'Hãy xuống đi rồi chúng tôi sẽ tin Ngài', Đại tướng Booth đã nói: "chính vì Ngài không xuống nên chúng ta tin Ngài". Dân DoThái chỉ nhìn thấy Đức Chúa Trời trong quyền năng, còn Chúa Giê-xu bày tỏ cho con người thấy rằng Đức Chúa Trời là tình thương hi sinh.

Lạy Chúa, xin giúp con thấy được những ý tưởng, thái độ, cách sống của con làm sỉ nhục thập tự của Ngài. Xin giúp con thấy được tình yêu hi sinh của Ngài để con hết lòng theo Ngài.

(c) 2024 svtk.net