Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Tiếng Kêu Đắc Thắng

Ma-thi-ơ 27:45-50

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Giê-xu kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni? Nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" (c. #46)

Câu hỏi suy ngẫm: Tiếng kêu trong câu #46 bộc lộ tâm trạng nào của Chúa Giê-xu? Tại sao Ngài bị Đức Chúa Trời lìa bỏ? Tiếng kêu trong câu #50 là tiếng kêu nào (Giăng 19:30)? Có ý nghĩa ra sao? Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là một thất bại hay chiến thắng? Tại sao?

Khi chúng ta đọc câu chuyện Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá mọi sự dường như diễn tiến rất nhanh, nhưng thực tế biến cố đã trải qua nhiều tiếng đồng hồ. Mác ghi lại thời gian rõ ràng nhất, ông cho biết Chúa Giê-xu bị đóng đinh vào giờ thứ ba, nghĩa là chín giờ sáng (Mác 15:25) và Ngài chết giờ thứ chín, tức ba giờ chiều (Mác 15:34). Như vậy, Chúa Giê-xu bị treo trên cây thập tự suốt sáu tiếng đồng hồ. Cơn hấp hối của Chúa Giê-xu tương đối ngắn ngủi vì thường tội nhân bị treo trên cây gỗ hàng mấy ngày mới chết.

Câu #46 là câu nói lạ lùng nhất trong câu chuyện Phúc Âm. Đó là tiếng kêu thống thiết của Chúa Giê-xu trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng: 'Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?' Tiếng kêu thống thiết của Chúa bày tỏ một cái gì rất-con-người. Theo tôi, Chúa Giê-xu không phải là Chúa Giê-xu nếu không trải qua những kinh nghiệm sâu xa nhất của con người. Khi cuộc sống tiếp diễn và khi những biến cố bi đát xảy đến trong đời sống, có lúc nào đó ta cảm thấy Đức Chúa Trời đã quên ta, đó là lúc ta bị dìm vào một hoàn cảnh ngoài tầm hiểu biết của ta. Theo tôi, điều đó đã xảy ra cho Chúa Giê-xu ở đây. Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu biết rằng Ngài phải đi tới vì đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngài chấp nhận con đường đó dù Ngài không hoàn toàn hiểu thấu. Tại đây Chúa Giê-xu đã bị đẩy vào một hoàn cảnh thống khổ cùng cực. Ngài đang trải qua cơn đau đớn nhất của con người để bất cứ kinh nghiệm nào ta phải trải qua thì Ngài cũng đã qua trước rồi.

Chúng ta thấy rõ những người nghe không hiểu Chúa nói gì. Đây là điểm cần lưu ý. Nếu Chúa Giê-xu trút hơi trong tiếng la thống thiết đó, thì thật là một điều kinh khủng, câu chuyện cho ta biết là Chúa Giê-xu kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi mới trút linh hồn. Trong tiếng kêu đó khiến mọi người phải lưu ý và nó đã được cả 4 sách Phúc Âm ghi lại (Ma-thi-ơ 27:50; Mác 15:37; Lu-ca 23:46), Phúc Âm Giăng nói rõ hơn là Chúa Giê-xu chết với tiếng la lớn "Mọi sự đã được trọn" (Giăng 19:30), mọi sự đã được trọn trong tiếng Hy Lạp chỉ có một chữ 'telelestai', là tiếng la của người đắc thắng, tiếng reo của người đã hoàn tất công việc, và của một người đắc thắng sau khi đã chiến đấu, của một người đã bước ra khỏi bóng tối để bước vào sự sáng và nắm được mão triều thiên vinh hiển. Vì vậy, Chúa Giê-xu chết như một người chiến thắng với một tiếng kêu đắc thắng trên môi Ngài.

Tại đây ta cũng học được một điều quí báu. Chúa Giê-xu đã trải qua một vực thẳm đen tối nhất, nhưng sau đó, ánh sáng lộ ra. Nếu ta cứ nắm chặt Đức Chúa Trời, dù có những lúc dường như không có Đức Chúa Trời chăng nữa, dù đức tin suy sụp chăng nữa thì chắc chắn bình minh sẽ lố dạng và ta sẽ vượt qua. Người đắc thắng là người không tin rằng Đức Chúa Trời quên mình dù lúc mọi đường gân thớ thịt của người đó cảm thấy Đức Chúa Trời từ bỏ mình. Người chiến thắng là người không bỏ đức tin dù cảm thấy mọi nền tảng của đức tin bị rúng động. Kẻ chiến thắng là kẻ trải qua những kinh nghiệm cùng cực nhưng vẫn nắm chặt Đức Chúa Trời, và đó là những gì Chúa Giê-xu đã làm.

Lạy Chúa xin mở lòng, mở trí của con để con thấy, hiểu được sự thống khổ Ngài chịu vì tội lỗi con, và giúp con thấy sự đắc thắng khải hoàn của Ngài trên thập tự.

(c) 2024 svtk.net