Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Thử Thách và Trách Nhiệm

Sáng-thế Ký 43:1-14

"Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng xui cho bay được ơn trước mặt người, và tha đứa em kia và Bên-gia-min cho bay. Còn phần cha, nếu phải mất con thì cha chịu phận vậy." (c. #14) Câu hỏi suy ngẫm: Gia-cốp đang đứng trước một quyết định quan trọng nào? Tâm trạng ông lúc đó ra sao? Cuối cùng, yếu tố nào đưa ông đến quyết định? Khi đứng trước một quyết định hay một chọn lựa chúng ta cần thái độ nào và cần làm gì?

Giô-sép đòi các anh phải dẫn người em út là Bên-gia-min đến cho Giô-sép gặp mặt thì mới tin họ là người lương thiện chứ không phải là thám tử, nhưng Gia-cốp không bằng lòng cho Bên-gia-min đi, do đó mấy người anh không dám trở lại Ai Cập để mua thêm lúa. Sau một thời gian, lúa mua trong chuyến đi lần trước đã cạn nên Gia-cốp bảo các con đi mua thêm lúa. Chúng ta không rõ khoảng thời gian các anh Giô-sép xuống Ai Cập lần trước cho đến bây giờ là bao lâu, nhưng có lẽ là không lâu lắm, vì vẫn còn trong thời gian 7 năm bị đói và Ai Cập vẫn còn bán lúa.

Những bài học ghi nhận trong phân đoạn này là:

1. Trong lúc khó khăn bối rối, người ta dễ đẩy trách nhiệm cho người khác hoặc đổ lỗi cho nhau. Vấn đề khó khăn trong gia đình Gia-cốp lúc đó là sắp bị chết đói, nhưng không ai dám quyết định điều gì cả. Mấy người con thì đổ lỗi rằng vì cha không cho dẫn em út đi, người cha thì trách tại các con khai ở nhà còn một đứa em út nữa làm gì cho ra nông nỗi này. Mỗi khi gặp điều không hay chúng ta thường nói: "Tại anh..." hoặc: "Tại vì chị bảo..." chúng ta sẵn sàng đổ lỗi cho nhau chứ không muốn nhận trách nhiệm về phần mình.

2. Trong phân đoạn này chúng ta thấy Giu-đa, người con thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong gia đình. Sở dĩ như vậy vì Ru-bên, người con trưởng đã phạm tội nên bị mất quyền con trưởng (#35:22); Si-mê-ôn, người thứ nhì, đang bị giam giữ tại Ai Cập; còn Lê-vi, người con thứ ba thì quá nóng nảy và tàn ác nên mất lòng tin tưởng của các em trong gia đình (#34:25). Hơn nữa, sau một thời gian sống xa nhà và gặp những việc khó xử trong đời sống (chương 38). Giu-đa đã trở nên trưởng thành và khôn ngoan, do đó có thể giúp giải quyết khó khăn của gia đình trong lúc này. Điều này cho thấy thử thách và khó khăn giúp chúng ta khôn ngoan và trưởng thành hơn, và có thể bình tĩnh giúp người khác trong khó khăn của họ. Lời hứa quả quyết của Giu-đa về việc bảo toàn tính mạnh cho Bên-gia-min cũng cho thấy bây giờ Giu-đa có tình yêu thương và có tinh thần trách nhiệm hơn trước kia. Xin so sánh với chương 37:26,27.

3. Không thể nào làm khác hơn được nên Gia-cốp đã bằng lòng cho Bên-gia-min đi. Là người nhiều kinh nghiệm trong cách xử thế, Gia-cốp không quên bảo con đem lễ vật để dâng cho vị quan Ai Cập. Lễ vật này là những thổ sản quý nhất trong vùng Ca-na-an, gồm có: nhũ hương, hương hoa tức là các loại nhựa thơm, một dược cũng là một loại nhựa thơm lấy từ cây một dược, hột phi tử (pistachio) và hột hạnh nhân. Đây là những loại thổ sản mà nguời Ai Cập rất ưa thích và quý chuộng. Lời chúc của Gia-cốp trong câu #14 cho thấy ông hoàn toàn phó thác mọi sự trong sự bảo bọc của Chúa. Danh hiệu "Đức Chúa Trời Toàn năng" là danh hiệu Chúa xưng khi Ngài lập giao ước với Áp-ra-ham và Y-sác (#17:1). Gia-cốp nhắc đến danh hiệu này hàm ý ông tin Chúa của ông là Đấng có quyền trên mọi việc, ở mọi nơi. Không phải Ngài chỉ có quyền trên gia đình ông ở Ca-na-an mà thôi nhưng cũng có quyền điều khiển tấm lòng vị quan bên nước Ai Cập để khiến vị quan ấy gia ơn cho các con ông.

Cám ơn Chúa vì qua những khó khăn trong đời sống, Chúa rèn luyện con nên người trưởng thành. Xin giúp con nhìn thấy Chúa là Đấng Toàn năng để con đặt trọn lòng tin nơi Ngài.

(c) 2024 svtk.net