Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Nguồn Phước

Sáng-thế Ký 45:16-28

"Hãy rước cha cùng người nhà của các ngươi xuống ở cùng ta. Ta sẽ nhường cho vật tốt nhất trong xứ Ê-díp-tô, và các ngươi sẽ hưởng màu mỡ của đất... Đừng tiếc tài vật mình, vì vật tốt nhất của xứ Ê-díp-tô sẽ về phần các ngươi." (c. #18-20)

Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn này cho thấy Giô-sép được Pha-ra-ôn quý mến ra sao? Do đâu Giô-sép được quý mến như thế? Qua Giô-sép chúng ta thấy một cuộc đời kính sợ Chúa đã trở thành nguồn phước ra sao?

Khi hay tin Giô-sép đã gặp lại người thân, vua Ai Cập và mọi người đều vui. Không những họ vui với niềm vui đoàn tụ của gia đình Giô-sép mà cũng vui vì biết Giô-sép không phải là một nô lệ tầm thường, nhưng xuất thân từ một gia đình khá giả. Ngày xưa, những người du mục sống về nghề chăn nuôi thường được mọi người kính trọng vì họ là những người tự do, không phải làm nô lệ cho người khác.

Phân đoạn này cho thấy chương trình của Chúa dành cho người Y-sơ-ra-ên đã được thực hiện một cách tốt đẹp qua cuộc đời của Giô-sép, và đúng thời điểm, Chúa đã ban phước cho dân Ngài. Ngoài ra, chúng ta còn ghi nhận được những chi tiết đặc biệt sau:

1. Pha-ra-ôn tận tâm giúp Giô-sép và lo lắng từng chi tiết trong việc đưa gia đình Giô-sép đến Ai Cập, cũng như hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp vì đây là dịp để ông đền ơn Giô-sép. Giô-sép không những cứu Ai Cập ra khỏi thiên tai nhưng còn giúp cho nước Ai Cập được hùng mạnh và riêng với cá nhân vua Ai Cập, Giô-sép đã giúp ông thành công trong việc điều hành và cai trị dân chúng.

2. Dù Giô-sép có quyền tự do khi điều hành việc nước, nhưng trước những việc riêng, liên quan đến gia đình, Giô-sép phải vâng theo chỉ thị của Pha-ra-ôn. Giô-sép cư xử khôn ngoan và tế nhị đối với người dưới quyền cũng như với người có quyền trên mình.

3. Chính Chúa hướng dẫn Giô-sép trong các dự tính tương lai, các dự tính đó phù hợp với chỉ thị của Pha-ra-ôn.

4. Chi tiết trong câu #21-23 cho thấy Giô-sép lo việc lớn nhưng bỏ quên những điều nhỏ nhặt: ông không quên đưa quần áo cho các anh thay đổi khi đi dọc đường. Và Giô-sép luôn dành cho người em út sự chăm sóc đặc biệt.

5. Giô-sép không những khôn ngoan, tế nhị nhưng cũng biết rõ tâm lý con người. Giô-sép sợ rằng trước mặt Giô-sép các anh không nói gì nhưng trên đường đi về có thể họ sẽ đổ lỗi cho nhau về chuyện bán Giô-sép ngày xưa. Vì thế, khi đưa các anh lên đường, lời cuối cùng của Giô-sép là: "Xin anh em đừng cãi lẫy nhau dọc đường" (c. #24 b).

Khi mấy người anh của Giô-sép về nói cho Gia-cốp biết rằng Giô-sép còn sống, Gia-cốp chẳng để ý gì đến lời nói của họ, có lẽ vì họ đã nhiều lần nói dối với ông. Cũng có thể vì sau mấy mươi năm sống trong vô vọng, lòng Gia-cốp đã chết, ông không còn hy vọng Giô-sép còn sống.

Khi nhìn thấy mấy chiếc xe Giô-sép gởi về để đón ông, Gia-cốp bừng tỉnh. Câu "tâm thần người tỉnh lại" hàm ý Gia-cốp như tìm lại sức sống. Điều này cho thấy tình thương lớn lao của ông đối với Giô-sép. Từ khi Giô-sép mất tích, ông sống mà như người đã chết. Câu nói của Gia-cốp: "Thôi biết rồi, con trai ta hãy còn sống, ta sẽ đi thăm nó trước khi ta qua đời", nói lên niềm mơ ước của Gia-cốp lâu nay. Là người lớn tuổi, ông không chú ý tới xe cộ, quần áo, cũng không nghĩ đến vinh quang giàu có hoặc quyền thế của Giô-sép bên Ai Cập. Ông chỉ mong ước một điều: được gặp lại đứa con yêu dấu. Đó là điều làm ông mãn nguyện hơn cả.

Tiên tri Môi-se ghi lại câu chuyện Giô-sép với đầy đủ chi tiết để cho chúng ta thấy sự dẫn dắt tuyệt diệu của Chúa đối với con dân Ngài. Ngài hoạch định từng chi tiết nhỏ nhặt. Chúa cũng đang hướng dẫn chúng ta cách chu đáo như vậy, chúng ta cần biết ơn Chúa mỗi ngày và cẩn thận để không bước ra khỏi bàn tay dìu dắt của Ngài.

Cám ơn Chúa vì Ngài vẫn đang dẫn dắt những ai đặt lòng tin nơi Ngài từng bước chu đáo như Ngài dẫn dắt con dân Ngài ngày xưa. Xin giúp con nhớ điều này để vững tin nơi Chúa và sống theo ý Chúa mỗi ngày.

(c) 2024 svtk.net