Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Mắc Nợ

Rô-ma 1:8-15

"Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt." (c. #14)

Câu hỏi suy ngẫm: Món nợ (c. #14) mà Phao-lô nói ở đây là gì? Tại sao Phao-lô coi đó là món nợ? Phao-lô đã trả món nợ đó như thế nào? Tại đây bạn học được gì về tâm tình của Phao-lô đối với người chưa biết Chúa? Bạn noi gương Phao-lô như thế nào?

Phao-lô tạ ơn Chúa về đức tin của các tín hữu tại thành La Mã. Niềm tin và nếp sống đạo của họ đã được mọi người ở khắp nơi biết đến, c. #8 ("khắp cả thế gian" tức là toàn cõi đế quốc La Mã lúc bấy giờ). Phao-lô cũng cho các tín hữu biết ông luôn nhớ cầu nguyện cho họ và ước mong được đến thăm họ, để "thông đồng sự ban cho thiêng liêng" (c. #11). Chữ "thông đồng" ở đây có nghĩa là chia sẻ. Mỗi người tin Chúa được Chúa ban cho những ân tứ thiêng liêng khác nhau. Phao-lô mong ước được chia sẻ những ân tứ đó với các tín hữu tại La Mã. Theo câu #12, chia sẻ nghĩa là "khích lệ lẫn nhau bởi đức tin của mỗi người" (TKHĐ).

Vì chưa được đặt chân đến La Mã bao giờ nên Phao-lô mong ước được đến đó để "hái trái trong anh em" (c. #13). "Hái trái" hàm ý đưa người khác đến với Chúa, như lời Chúa Giê-xu dạy trong Giăng 15:16. Nhiều lần sứ đồ Phao-lô muốn được đến La Mã để truyền giáo ("ghe phen" nghĩa là nhiều lần), nhưng vì gặp trở ngại, ông không đến được. Vì vậy ông vẫn ao ước một ngày sẽ được đến thành phố này để khích lệ người tin Chúa và rao giảng Phúc Âm cho người chưa tin. Phao-lô xem đây là một trách nhiệm nặng nề, như một món nợ phải trả. Ông kể như mình mắc nợ mọi người: cả người văn minh lẫn người dã man, cả người trí thức lẫn người thất học (Gờ-réc hay Hy Lạp là danh từ chỉ những dân tộc văn minh, vì lúc đó nền văn minh Hy Lạp đang ở vào thời kỳ cực thịnh). Dân thành La Mã cũng ở trong số những người Phao-lô thấy có trách nhiệm phải nói về Chúa cho họ.

Phân đoạn Thánh Kinh hôm nay cho thấy tâm tình của sứ đồ Phao-lô đối với những người ở La Mã, là người ông chưa bao giờ quen biết. Ông tạ ơn Chúa về đức tin mạnh mẽ của họ, ông cầu nguyện cho họ và ước mong được đến thăm họ. Ông muốn khích lệ họ để chính ông cũng được khích lệ. Ông muốn truyền giảng cho những người chưa tin Chúa và coi đó như là một món nợ phải trả.

Bao nhiêu người trong chúng ta có được tâm tình như Phao-lô? Đó là cầu nguyện, khích lệ người tin Chúa và xem việc truyền giảng cho người chưa tin là một trọng trách chính chúng ta phải chu toàn.

Cám ơn Chúa cho con được nhìn thấy gương sáng của sứ đồ Phao-lô. Xin giúp con trong ngày hôm nay có dịp nói về Chúa cho ít nhất là một người, để con có thể chu toàn trọng trách Chúa giao

(c) 2024 svtk.net