Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Chúc Phước

Sáng-thế Ký 48

"Cầu xin Đức Chúa Trời mà tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác đã thờ phượng, là Đức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay, thiên sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn, hãy ban phước cho hai đứa trẻ này..." (c. #15,16 a)

Câu hỏi suy ngẫm: Khi chúc phước cho các con Giô-sép, Gia-cốp nhớ lại những phước lành nào Chúa đã ban cho ông? Ông kinh nghiệm thế nào về sự dẫn dắt của Chúa? Trong lời chúc phước của ông, có lời tiên tri nào về dòng dõi Giô-sép? Tại đây chúng ta thấy Chúa ban đặc ân nào cho người kính sợ Chúa?

Ông Gia-cốp có 12 người con trai và tên 12 người con đó đã trở thành tên 12 tộc của người Do Thái. Tuy nhiên, Kinh Thánh thường nhắc đến 13 tộc vì riêng từ Giô-sép có đến hai tộc là Ép-ra-im và Ma-na-se, đúng như nguyện ước của Gia-cốp trong câu #5. Câu này nghĩa là Gia-cốp kể Ép-ra-im và Ma-na-se ngang hàng với các con của ông, chứ không phải chỉ là cháu nội. Và như vậy, so với các anh em khác Giô-sép được thừa hưởng phần tài sản gấp đôi. Thật ra đây là đặc ân dành cho nguời con trưởng. Con trưởng của Gia-cốp là Ru-bên, vì gian díu với vợ lẽ của cha (#35:22) nên đã bị mất quyền con trưởng và Giô-sép là người được hưởng quyền đó (I Sử-ký 5:1,2).

Người xưa trước khi qua đời người ta thường chúc phước cho con cháu và những lời chúc phước này thường có tính cách tiên tri, như Y-sác chúc phước cho Gia-cốp (Sáng-thế Ký 27). Lời chúc phước của Gia-cốp cho hai con của Giô-sép trong phân đoạn vừa đọc cũng cho chúng ta thấy điều đó. Trước mỗi lời chúc phước, Gia-cốp đều nhắc lại ơn lành Chúa ban cho ông trước kia. Ông nói Chúa là "Đức Chúa Trời toàn năng đã hiện ra và ban phước cho cha tại Lu-xơ" (c. #3). Ông cũng nói Chúa là "Đức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay" (c. #15 b)Ợchữ "chăn nuôi" đồng nghĩa với chữ "Đấng chăn giữ" trong Thi-thiên 23:1. Ông còn nói Chúa là "thiên sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn" (c. #16 a). Chúng ta có thể gọi Chúa bằng danh hiệu nào trong các danh hiệu đó? Dù là một người nhiều mưu kế, đến cuối cuộc đời, Gia-cốp vẫn ý thức sự hướng dẫn và sức mạnh của Chúa trong đời sống nên ông dành cho Chúa tất cả những danh hiệu cao quý đó. Chúng ta cũng cần biết đến Chúa qua những danh hiệu tương tự và một lòng kính mến, tôn thờ Chúa.

Chúng ta không hiểu được chương trình của Chúa vì từ Y-sác đến Ép-ra-im, Chúa luôn luôn đặt người con thứ lên trước: Y-sác được đặt trước Ích-ma-ên, Gia-cốp trước Ê-sau, Giô-sép trước Ru-bên và Ép-ra-im trước Ma-na-se. Thật ra, chúng ta cũng hiểu được phần nào vì Y-sác là con của lời hứa, Ê-sau coi thường quyền con trưởng, Ru-bên phạm tội loạn luân (#49:4; 35:22). Riêng trường hợp của Ép-ra-im, đó là một lời tiên tri vì về sau khi đất nước bị chia đôi, tên Ép-ra-im thường được dùng để gọi cả phần đất phía Bắc, tức là nước Y-sơ-ra-ên, để đối chiếu với phần đất phía Nam là nước Giu-đa (Ê-sai 7:2; Ô-sê 4:17, 13:1).

Chúng ta không rõ "phần đất trổi hơn các anh em" mà Gia-cốp đã chiếm của dân A-mô-rít (c. #22) là phần đất nào. Tuy nhiên, có lẽ đây là phần đất sứ đồ Giăng nhắc đến trong Giăng 4:5 khi nói về địa điểm của thành Si-kha.

Việc Gia-cốp chúc phước cho hai người con của Giô-sép cho thấy:

1. Gia-cốp là người biết ơn Chúa. Ông gọi Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng, Đức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay, thiên sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn. Chúng ta cũng cần bày tỏ lòng biết ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.

2. Đặc quyền của một người có thể bị mất để dành cho người khác nếu người đó coi thường hay không quan tâm đến đặc quyền Chúa ban cho.

3. Bất cứ điều gì chúng ta có cũng đều đến từ ơn thương xót đặc biệt của Chúa. Vì thế chúng ta không thể nương tựa vào địa vị, công trạng hay bất cứ điều gì khác ở trên đời.

Xin giúp con luôn nhớ đến ơn Chúa để sống thay vì kiêu hãnh và sống bằng sức riêng của mình.

(c) 2024 svtk.net