Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Lời Kêu Gọi Trở Lại Cùng Đức Chúa Trời

Ma-la-chi 1:9-11

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa không nghe lời cầu xin và không nhận lễ vật của con dân Chúa? Chúa nói gì về các dân tộc nước ngoài? Có phải tình hình bất xứng của dân Y-sơ-ra-ên mà Chúa cứu rỗi dân tộc nước ngoài không? Xét lại đời sống bạn thấy điều gì cần được sửa đổi để xứng đáng là con dân Chúa?

Đức Chúa Trời là Đấng Nhân Từ. Cho dù dân Chúa đã sống bội bạc và vô đạo, nhưng Ngài vẫn yêu thương và kêu gọi họ trở lại cùng Ngài. Câu #9 chép: "Các ngươi đã làm điều đó, nay ta xin các ngươi hãy nài xin ơn Đức Chúa Trời, hầu cho Ngài làm ơn cho chúng ta."

Dân Chúa đã coi rẻ bàn thờ, đã dâng của lễ ô uế. Nếu họ đem các lễ vật ấy dâng cho vị tổng trấn, chắc chắn người không nhận và cũng chẳng thi ơn cho họ. Vì thế, dân Chúa cần trở lại khẩn khoản và nài xin Đức Chúa Trời ban ơn. Xin Ngài tỏ lòng nhân từ với họ. Các thầy tế lễ phải trở lại cùng Chúa trước nhất. Họ phải thay đổi thái độ phục vụ Chúa và cũng phải thay đổi phương cách phục vụ Ngài trong đền thờ. Họ là người phụ trách việc dâng của lễ và đã làm cho của lễ trở thành ô uế. Cho nên, nếu phải có sự thay đổi, thì các thầy tế lễ phải thay đổi trước nhất.

Câu #10a chép tiếp: "Ước gì trong các ngươi có một người đóng các cửa." Hoặc có thể dịch là: "Sao chẳng có một người nào trong các ngươi đóng cửa Đền Thờ." Câu này cho thấy các thầy tế lễ chỉ chú trọng đến vật chất. Họ chỉ hầu việc Chúa nơi Đền Thờ khi nào họ được trả công đầy đủ. Động cơ thúc đẩy họ phục vụ là vì lợi phi nghĩa chớ không có vui lòng; là do lợi dơ bẩn chớ chẳng hết lòng mà làm (I Phi-e-rơ 3:8; 5:2).

Trong câu #10b, Chúa phán: "Ta chẳng lấy làm vui lòng nơi các ngươi, và ta chẳng nhận nơi tay các ngươi một của dâng nào hết." Từ "chẳng vui lòng" bày tỏ việc Chúa không chấp nhận lễ vật (Truyền-đạo 5:4); hoặc nói lên việc Chúa chẳng ưa thích dân Ngài (Giê-rê-mi 22:28; 48:38). Đối với Đức Chúa Trời, thì "sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực" (I Sa-mu-ên 15:22). Câu #11 là lời tiên tri về Đức Giê-hô-va: "Vì từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại. Khắp mọi nơi, người ta sẽ dâng hương và của lễ thanh sạch cho danh ta; vì danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy."

Có lẽ câu Thánh Kinh này đã được các học giả tranh luận nhiều nhất trong sách Ma-la-chi. Từ thời các giáo phụ cho đến nay, người ta đã đưa ra nhiều lời luận giải khác nhau. Vấn đề chính yếu được đề cập trong câu Thánh Kinh trên là lời tiên tri này được ứng nghiệm trong thời đại của tiên tri Ma-la-chi hay là được ứng nghiệm trong tương lai. Để xác định được vấn đề thời gian của lời tiên tri này, ta nên xem lại cấu trúc văn phạm của nó. Xét qua văn phạm tiếng Hy Bá thì câu này có thể dịch cho cả thì hiện tại và tương lai. Bản Bảy Mươi (Bản dịch từ tiếng Hy Bá sang tiếng Hy Lạp) thì dịch ở thì hiện tại. Bản Thánh Kinh tiếng Anh Revised và bản Revised Standard và bản King James, cũng như Thánh Kinh tiếng Việt đều dịch ở thì tương lai (Shall be offered - sẽ dâng). Như vậy, lời tiên tri trên phải được hiểu cả hai thì cả hiện tại và tương lai. Trong Thánh Kinh cũng có nhiều lời tiên tri được hiểu theo lối đó, chẳng hạn như Sáng-thế Ký 15:14; Giô-ên 3:4.

Điều chúng ta học được qua phân đoạn Thánh Kinh trên là: Chúng ta nên từ bỏ nếp sống vô đạo để trở lại cùng Đức Chúa Trời, khẩn khoản nài xin Ngài ban ơn và tỏ lòng nhân từ với chúng ta.

Xin Chúa tha thứ cho thái độ thiếu sự tôn kính Chúa của con. Xin ban ơn cho con để con biết sống đẹp lòng Ngài.

(c) 2024 svtk.net