Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Làm Sao Tránh Được Tai Ương

Ô-sê 5:8-15

"Hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau hầu cho anh em được lành bịnh: Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện thật có linh nghiệm nhiều. (Gia-cơ 5:16)

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa cảnh cáo Giu-đa và Y-sơ-ra-ên về những hậu quả nào của tội lỗi? Chúa giáng những tai họa trên họ nhằm mục đích gì? Cuối cùng họ có trở lại với Chúa không? Chúa đang cáo trách bạn những tội lỗi nào? Bạn cần phải làm gì?

Trong phần Kinh Thánh hôm nay, Chúa cảnh cáo rằng các tai nạn sẽ xảy đến cho cả hai nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Lời cảnh cáo ấy không phải chỉ là lời ngăm dọa suông. Chúa đã làm thành lời báo trước của Ngài. Năm 722 T.C., nước Y-sơ-ra-ên (cũng gọi là Ép-ra-im) đã bị xóa tên. Đến năm 701 T.C., nước Giu-đa (cũng gọi là Bên-gia-min) đã phải thần phục và rồi cũng sụp đổ một thế kỷ sau đó.

Những địa danh Ghi-bê-a, Ra-ma, Bết-a-ven trong câu #8 chỉ về những vùng nằm dọc biên giới hai nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Chúa cảnh cáo rằng đoàn quân xâm lăng, sau khi thôn tính Y-sơ-ra-ên, cũng sẽ tràn xuống Giu-đa. Cho nên nước Giu-đa đừng tự phụ, hãy lấy gương Y-sơ-ra-ên mà sửa mình.

Nước Y-sơ-ra-ên phạm tội thờ tà thần. Còn Giu-đa phạm lỗi gì? Chúa cho biết nước ấy phạm tội tham lam. Quan chức Giu-đa lạm dụng quyền chức, chiếm đoạt đất đai của dân (c. #10).

Tai ương đã bắt đầu đến với cả hai nước (c. #12). Quan dân lo sợ tìm phương cứu chữa. Nhưng thay vì chữa tận gốc căn bệnh của mình, họ chỉ băng bó sơ sài cho qua chuyện. Thay vì ăn năn, nhờ cậy Chúa, họ cậy nhờ người A-si-ri, là thế lực quân sự mạnh trong vùng thời bấy giờ. Quân dân xâm lăng chỉ là công cụ của Chúa để sửa phạt dân Ngài. Chưa thật lòng trở lại với Chúa thì hai nước ấy không thể nào tránh được tai ương đang chờ đón. Ta học được nhiều bài học qua giai đoạn lịch sử của hai nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa.

1. Khi thấy người khác bị Chúa sửa phạt vì tội lỗi của họ, ta đừng vội lên án họ, nhưng hãy cẩn thận xét mình. Chúa chẳng thiên vị ai cả. Hãy biết ăn năn trước khi Chúa sửa phạt.

2. Khi tai ương đến, hãy xét mình để biết tai ương có phải là lằn roi sửa phạt của Chúa không. Nếu đúng là lằn roi của Chúa, hãy nhờ ân Chúa mà sửa chữa lỗi lầm của mình để được Chúa giải tỏa các tai ương. Có những trường hợp con cái Chúa mang bệnh tật, hay gặp thất bại trong đời sống chỉ vì đời sống chưa trong sạch, ngay thẳng với Chúa. Trong trường hợp đó con cái Chúa cần ăn năn, sửa chữa. Nếu không, lời cầu nguyện của chúng ta vô hiệu lực (I Cô-rinh-tô 11:30-34; Gia-cơ 5:16).

Chúa ơi, xin giúp con gần bên Chúa hơn để con biết được những điều dạy dỗ của Chúa cho con.

(c) 2024 svtk.net