Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Con Đường Sa Đọa

Rô-ma 1:28-32

"Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng (c. #28)

Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này, Phao-lô cho thấy con người đã phạm đến những điểm "không xứng đáng" nào? Những điều này có ý nghĩa ra sao? Điều nào bạn thấy mình hay phạm nhất? Là con cái Chúa làm sao chúng ta có thể tránh được những tội không xứng đáng này?

Điều thứ ba Thượng Đế bỏ mặc con người là "để cho họ theo lòng hư xấu đặng phạm những sự chẳng xứng đáng" (c. #28). Câu #29-31 cho biết "những sự chẳng xứng đáng" gồm có:

Không công bình: theo ý niệm của người Hy Lạp, công bình là sống vừa lòng Trời và vừa lòng người. Do đó, người không công bình là người sống không kể gì đến Trời, cũng không kể gì đến đồng loại, chỉ biết có mình.

Độc ác: thích làm hại người khác, gian ác.

Tham lam: luôn luôn muốn có thêm điều mình đã có.

Hung dữ: đây là tiếng thông dụng để chỉ những người xấu.

Chan chứa những điều ghen ghét: khó chịu và ganh tị khi thấy người khác hơn mình hoặc có những điều mình không có.

Giết người: theo tiêu chuẩn của Chúa, ra tay sát nhân hoặc thù ghét người trong lòng cũng đều bị kể là phạm tội giết người. Thánh Kinh dạy (I Giăng 3:15).

Cãi lẫy: gây gổ với người khác vì lòng tham hoặc ganh tức.

Dối trá: trong nguyên văn từ ngữ này phát xuất từ một động từ chỉ về việc làm vàng giả hoặc pha thêm nước vào rượu, tức là chỉ về những hành động gian dối, che giấu sự thật.

Giận dữ: trong nguyên văn nghĩa là hiểm độc, luôn luôn nghĩ xấu về người khác.

Hay mách: nói xấu người khác.

Gièm chê: phao vu, nói những điều không có thật về người khác. (Người "hay mách" nói xấu vụng trộm, còn người "gièm chê" nói xấu công khai).

Chẳng tin kính: trong nguyên văn chữ này là "ghét Thượng Đế". Người ghét Chúa xem Ngài như là chướng ngại, cản trở họ phạm tội, vì họ muốn sống theo ý riêng, không muốn có Chúa hiện diện trong đời sống.

Xấc xược (xấc láo, TKHĐ): có hai nghĩa: (1) Ngạo mạn, ỷ vào quyền thế, của cải; không cần Chúa, không cần ai cả. (2) Nói và làm những điều gây khó chịu hay đau lòng người khác.

Kiêu ngạo: coi thường và khinh miệt mọi người.

Khoe khoang: khoác lác, thích tạo ấn tượng là mình tài giỏi, giàu có, sang trọng hơn mọi người.

Khôn khéo về sự làm dữ: trong nguyên văn, chữ này là "người phát minh ra những cách phạm tội mới." TKHĐ dịch là 'ưa tìm cách làm ác mới mẻ."

Không vâng lời cha mẹ: vâng lời cha mẹ là yếu tố căn bản giữ cho nền tảng đạo đức của một xã hội được vững vàng. Xã hội nào quyền của các bậc cha mẹ không được tôn trọng, thì xã hội ấy sẽ sụp đổ.

Dại dột: chỉ những người không biết dựa vào kinh nghiệm để học hỏi nên tiếp tục vấp phải những lỗi lầm trong quá khứ. ("không phân biệt thiện ác", TKHĐ).

Trái lời giao ước: không giữ lời hứa, ("bội ước").

Không có tình nghĩa tự nhiên: thiếu tình thương.

Không có lòng thương xót: không cảm động trước nỗi đau khổ của người khác.

Một vị giáo sĩ đến truyền giáo cho bộ lạc nọ. Ngày kia, khi nghe ông đọc đoạn Thánh Kinh này, người tù trưởng đến gặp ông và hỏi: "Ai nói với ông những tội đó của chúng tôi mà ông biết rõ hết vậy?" Điều này cho thấy bất cứ xã hội nào cũng có tội lỗi giống nhau và ai cũng có thể phạm những tội ấy. Vì thế, xin Chúa giúp ta tránh những tội này và đừng chai lì đến nỗi Chúa phải nổi giận và để mặc cho chúng ta sống trong tội lỗi.

Cám ơn Chúa đã cứu con khỏi tội. Xin giúp con tránh xa con đường tội lỗi cũ, không phạm tội với Chúa và làm Ngài buồn.

(c) 2024 svtk.net