Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Tôi Tớ Đức Chúa Trời

Gia-cơ 1:1-4

"Gia-cơ, tôi tớ Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế, đạt cho mười hai chi phái ở tan lạc, chúc bình an." (c. #1)

Câu hỏi suy ngẫm: Danh hiệu "tôi tớ" bao hàm những ý nghĩa nào? Với tư cách là tôi tớ của Đức Chúa Trời, Gia-cơ gửi thư này cho những ai? Bạn có phải là "tôi tớ" của Đức Chúa Trời không? Với tư cách là tôi tớ của Đức Chúa Trời, bạn có mối liên hệ và trách nhiệm nào với những tín hữu khác?

Ngay từ đầu thư, Gia-cơ đã tự mô tả bằng danh hiệu vốn là danh dự và vinh quang duy nhất của ông. Ông tự tả là nô lệ (tôi tớ) của Thượng Đế và Chúa Cứu Thế Giê-xu. Có bốn hàm ý trong danh hiệu nầy.

1. Ngụ ý về sự vâng lời tuyệt đối. Người nô lệ chẳng biết luật lệ nào khác hơn mạng lệnh của chủ, nô lệ là tài sản hoàn toàn thuộc về chủ mình, và bị bắt buộc vâng lời chủ tuyệt đối.

2. Ngụ ý về sự khiêm hạ tuyệt đối. Đây là lời của một người chẳng nghĩ đến đặc quyền, mà chỉ nghĩ đến nhiệm vụ, chẳng nghĩ đến lợi riêng, mà chỉ nghĩ đến bổn phận bắt buộc. Đây là lời của người đã từ bỏ bản ngã để phục vụ Thượng Đế.

3. Ngụ ý về sự trung thành tuyệt đối. Đây là lời của người chẳng hề quan tâm đến bản thân, những gì người làm là vì Chúa. Người không hề tính toán để bản thân được lợi lộc, hay theo những gì mình ưa thích, người tận trung với Chúa.

4. Ngụ ý về một niềm tự hào. Đây là danh hiệu dành cho các vĩ nhân của Cựu Ước: Môi-se là một tôi tớ (nô lệ) của Thượng Đế (I Các Vua 8:53), Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:27), Gióp (Gióp 1:8), Ê-sai (Ê-sai 20:3), đây là danh hiệu dành cho các nhà tiên tri (A-mốt 3:7; Xa-cha-ri1:6; Giê-rê-mi 7:25). Khi nhận danh hiệu nô lệ, Gia-cơ tự đặt mình vào truyền thống về sự thừa kế quan trọng những nhân vật tự cảm thấy mình được sự tự do, bình an và vinh hiển do việc hoàn toàn đầu phục ý chỉ Thượng Đế. Địa vị cao trọng duy nhất mà một Cơ Đốc nhân luôn luôn ao ước là được làm nô lệ cho Thượng Đế.

Gia-cơ viết thư cho là 12 chi phái đã tan lạc khắp thế giới. Khi viết thư nầy ông muốn gửi cho ai?

1. Cơ Đốc nhân người Do Thái ở ngoài xứ Palestine. Nếu trong nghĩa đó, nó là số người Do Thái ở những xứ thật gần chung quanh xứ Palestine, có lẽ đặc biệt là số dân Do Thái ở Sy-ri và Ba-by-lôn. Nếu ai muốn viết một bức thư như thế, người ấy phải là Gia-cơ, người lãnh đạo được thừa nhận của thành phần Cơ Đốc giáo giữa vòng người Do Thái.

2. Các Cơ Đốc nhân Hội Thánh Chúa Cứu Thế chính là dân Y-sơ-ra-ên thực sự và chân chính. Những người lấy đức tin tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vậy, câu nầy có nghĩa là Hội Thánh Cơ Đốc nói chung.

Gia-cơ đã viết thư cho số Cơ Đốc nhân Do Thái đang sống tan lạc giữa các lân quốc, và ông cũng viết cho dân Y-sơ-ra-ên chân chính, dân Y-sơ-ra-ên mới, là toàn thể Hội Thánh của Thượng Đế.

Cảm tạ Chúa đã cứu chuộc con cho Ngài. Xin giúp con biết sống trong niềm vinh hạnh là nô lệ, tôi tớ của Ngài.

(c) 2024 svtk.net