Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Theo Nhu Cầu Của Mỗi Người

Gia-cơ 1:9-11

"Anh em nào ở địa vị thấp hèn hãy khoe mình về phần cao trọng mình, kẻ giàu cũng hãy khoe mình về phần đê hèn, vì người sẽ qua đi như hoa cỏ." (c. #9-10)

Câu hỏi suy ngẫm: Theo Gia-cơ, người nghèo và người giàu có thể khoe mình về điều gì? Tại sao? Tại đây Gia-cơ cho chúng ta một nhận thức nào về cuộc sống? Với nhận thức đó, làm thế nào chúng ta tìm thấy ý nghĩa và mục đích của đời sống?

Theo Gia-cơ, Cơ Đốc giáo đem đến cho mỗi người điều người ấy đang cần.

1. Cơ Đốc giáo đem đến cho người nghèo một ý thức mới về giá trị của họ. Từ địa vị sống vô giá trị, người ấy được cất lên chỗ có một ý thức mới mẻ về giá trị và tầm quan trọng của chính mình. (a) Người ấy được biết mình là quan trọng trong Hội Thánh. Trong Hội Thánh nguyên thủy không hề có phân chia giai cấp. Các giai cấp xã hội phân cách mọi người với nhau đều bị xóa bỏ, và trong Hội Thánh chẳng ai được xem là cao trọng hơn ai. (b) Người ấy được biết là mình quan trọng trong thế gian. Cơ Đốc giáo dạy sống trên đời, mọi người đều có một bổn phận phải thi hành. Mọi người đều hữu dụng cho Chúa ngay cả khi phải nằm liệt giường thì năng lực của lời cầu nguyện của người ấy vẫn còn sức tác động trên thế giới loài người. (c) Người ấy được biết mình là quan trọng cho Chúa.

2. Cơ Đốc giáo đưa đến cho người giàu có một ý thức mới về sự tự hạ mình. Cơ nguy lớn nhất của sự giàu có là khuynh hướng đưa người ta đến một ý thức giả tạo về an toàn, người ấy cảm thấy mình có của cải để đối phó với bất cứ chuyện gì, giải thoát mình khỏi bất cứ trạng huống nào mình muốn tránh né.

Gia-cơ vẽ ra bức tranh sống động, hết sức quen thuộc với người ở xứ Palestine. Trong sa mạc, hễ có mưa rào thì mầm cỏ non sẽ mọc xanh, nhưng sau một ngày nắng nóng chúng biến mất như chưa bao giờ mọc lên vậy. Đây là hình ảnh của một đời sống trông cậy vào sự giàu có. Người tin cậy vào của cải là tin cậy vào những gì mà các đổi thay may rủi của cuộc đời có thể cất đi bất cứ lúc nào. Chính sự sống cũng là một cái gì hết sức bấp bênh. Gia-cơ nhớ đến bức tranh của Ê-sai: "Mọi xác thịt giống như cỏ, nhan sắc nó như hoa ngoài đồng. Cỏ khô, hoa rụng, vì hơi Đức Giê-hô-va thổi qua, phải dân nầy khác nào cỏ ấy" (Ê-sai 40:6,7, tham khảo Thi-thiên 103:15).

Vấn đề Gia-cơ nêu lên là nếu sự sống vốn bấp bênh, nếu con người vốn dễ mai một như vậy, tai họa và sự tàn hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã vậy mà con người lại cứ trông cậy vào những điều thuộc về đời nầy - như sự giàu có - thì con người quả thật là điên dại, vì những điều đó có thể mất đi bất cứ lúc nào. Người ta chỉ khôn ngoan khi biết đặt lòng trông cậy vào những điều không thể mất đi được.

Gia-cơ khuyên kẻ giàu đừng trông cậy vào những gì mà thế lực của mình có thể góp nhặt. Ông khuyên họ phải nhận thức đầy đủ và đồng ý rằng bản chất con người vốn bất năng, bất lực và phải khiêm nhu hạ mình, đặt lòng trông cậy vào Chúa, Đấng duy nhất ban cho ta những điều còn mãi.

Cảm tạ Chúa, Ngài biết con, biết rõ nhu cầu của con hơn con.

(c) 2024 svtk.net