Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Chậm Và Nhanh

Gia-cơ 1:19-20

"Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận." (c. #19)

Câu hỏi suy ngẫm: "Mau nghe, chậm nói, chậm giận" phản ánh đức tính nào trong đời sống chúng ta? Những điều này đem lại những ích lợi nào cho chúng ta và những người khác? Câu #20 "Cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời" có nghĩa gì? Tại sao? Trong việc thực hành lời khuyên của Gia-cơ, Lời Đức Chúa Trời quan trọng thế nào (c. #21)?

Hiếm có triết gia nào lại không nhận thức được cơ nguy của việc quá mau miệng và chẳng muốn nghe. Sách Châm Ngôn đầy dẫy những điều báo nguy cho kẻ quá nhạy miệng "Hễ lắm lời vi phạm nào có thiếu, nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan" (Châm-ngôn 10:19), "Kẻ canh giữ miệng mình giữ được mạng sống mình, nhưng kẻ nào hở môi quá bèn bị bại hoại" (Châm-ngôn 13:3). "Khi nín lặng dầu người ngu dại cũng được cầm bằng khôn ngoan, còn kẻ nào ngậm môi miệng mình lại được kể là thông sáng" (Châm-ngôn 17:28). "Con có thấy kẻ hốp tốp trong lời nói mình chăng? Một kẻ ngu muội còn có sự trông cậy hơn hắn"(Châm-ngôn 29:20).

Người thánh thiện thật sự lo nghe lời Thượng Đế hơn là hung hăng, già mồm, to tiếng hét lên các ý kiến riêng của mình. Chúng ta có hai tai nhưng chỉ có một miệng để chúng ta nên nghe nhiều hơn nói.

Gia-cơ khuyên chúng ta phải chậm giận. Có lẽ ông đang trả lời cho số người cãi rằng ở đời phải có lúc biết giận dữ, trách mắng. Điều đó có phần đúng, thế gian nầy sẽ trở thành buồn chán nếu không có những kẻ bừng bừng nổi giận, chống lại những lạm dụng, những kẻ tội lỗi mà độc đoán, độc tài. Nhưng trong đa số trường hợp người ta thường tìm cách tự bào chữa, biện hộ cho cơn giận không chính đáng, cho sự tức giận, nóng nảy vì chỉ nghĩ đến chính mình.

Thầy giáo thường bị cám dỗ dễ nổi giận với kẻ chậm hiểu, tối dạ và càng giận hơn đối với học trò lười biếng. Trừ một số trường hợp hết sức hiếm hoi còn thì người ấy sẽ đạt được kết quả nhiều hơn bởi khuyến khích chớ không bởi mắng nhiếc. Người truyền đạo cũng bị cám dỗ tức giận. Nhưng "đừng bao giờ chế nhạo" luôn luôn là một lời khuyên tốt đối với nhà truyền đạo; ông sẽ mất đi năng lực khi không chứng minh được lòng yêu thương của mình đối với tín hữu bằng từng lời nói, từng cử chỉ. Tức giận gây cho người ta cảm tưởng mình thù ghét, không ưa, chống đối mà mất đi năng lực khiến người nghe ăn năn hối cải. Bậc cha mẹ cũng hay bị cám dỗ dễ nổi giận. Nhưng có lẽ sự tức giận của cha mẹ sẽ làm con cái càng cứng đầu, cứng cổ hơn là khi cơn giận ấy được chế ngự và hướng dẫn. Giọng nói của tình thương có năng lực hơn là giọng nói giận dữ, và giận dữ, to tiếng, cằn nhằn, gây tai hại nhiều hơn là lợi ích, tốt đẹp.

Mau nghe, chậm nói, chậm giận luôn luôn là cách xử sự khôn ngoan ở đời.

Lạy Chúa xin giúp con mau nghe mà chậm nói, chậm giận.

(c) 2024 svtk.net