Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Tính Dễ Dạy

Gia-cơ 1:21

"Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em."

Câu hỏi suy ngẫm: Chữ "trồng" trong câu "lời đã trồng trong anh em" cho chúng ta hình ảnh nào và có ý nghĩa ra sao? Bằng cách nào lời Đức Chúa Trời đã trồng trong chúng ta? Câu Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta phương pháp thực hành nào để thắng hơn sự cám dỗ của tư dục?

Gia-cơ đưa ra một loạt từ ngữ và hình ảnh sống động.

Ông bảo độc giả của ông hãy lột bỏ mọi điều gian ác và ô uế. Từ ngữ "bỏ đi" mà ông dùng ở đây chính là từ ngữ vẫn được dùng theo nghĩa đen chỉ việc cởi bỏ áo xống. Ông khuyên độc giả của mình dứt bỏ mọi điều ô uế, như người ta lột bỏ áo xống, như con rắn lột da vậy.

Cả hai từ ngữ ông dùng chỉ sự ô uế đều rất sống động. Chữ "ô uế" chỉ những cáu ghét làm bẩn quần áo và thân thể chúng ta. Nhưng dùng ở đây còn nghĩa "ráy của lỗ tai", Gia-cơ ngụ ý rằng độc giả của ông phải dứt bỏ tất cả những gì có thể bịt tai họ lại đối với lời chân thật của Thượng Đế. Khi ráy tai tích tụ trong lỗ tai, nó có thể khiến người ta trở thành điếc, và tội lỗi sẽ khiến họ điếc đối với Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Gia-cơ đề cập cái u bướu của sự gian ác. Ông nghĩ về sự gian ác như chướng ngại cho sự tăng trưởng hoặc như vết ung thư cần phải cắt bỏ.

Ông khuyên họ lấy lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong họ. Từ "trồng" ở đây có hai nghĩa:

a. Có nghĩa là sinh ra từ bên trong như bẩm sinh, phản nghĩa với thủ đắc (do học tập, thu góp từ ngoài vào). Theo nghĩa nầy, thì tương tự Phao-lô đã từng nói về người ngoại bang tự nhiên làm theo luật pháp vì họ vốn có một thứ luật nào đó ở trong lòng (Rô-ma 2:14,15), đó là bức tranh giống như bức tranh trong Cựu Ước về luật pháp vốn "rất gần ngươi ở trong miệng và trong lòng ngươi"(Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:14). Về phương diện thực tế nó tương đương với chữ "lương tâm" của chúng ta. Gia-cơ muốn nói con người vốn có bản năng biết điều thiện và điều ác ngay trong lòng và chúng ta phải luôn luôn vâng theo lời chỉ dẫn đó.

b. Có nghĩa là trồng vào, như một hột giống được trồng xuống đất. Theo nghĩa nầy, Gia-cơ nhắc lại ý niệm trong ẩn dụ người gieo giống (Ma-thi-ơ 13:1-8) kể lại thế nào hột giống đạo đã được gieo vào lòng con người. Qua các tiên tri, các nhà truyền đạo, nhất là qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, Thượng Đế đã gieo chân lý của Ngài vào lòng người ta, đã trồng nó tại đó, và người khôn ngoan phải tiếp nhận, phải chào mừng nó. Gia-cơ hàm ý rằng sự hiểu biết lời chân thật của Thượng Đế vốn đến với chúng ta từ hai nguồn: từ nơi sâu thẳm của đáy lòng ta và từ Thánh Linh của Thượng Đế và lời dạy dỗ của Chúa Cứu Thế cùng lời rao giảng của nhiều người. Từ bên trong lẫn bên ngoài chúng ta đều có những tiếng nói chỉ bảo ta con đường chánh đáng, và người khôn ngoan thì nghe theo những tiếng nói đó.

Người ấy sẽ lấy lòng nhu mì nhận lấy lời Thượng Đế. Lấy lòng nhu mì có thể nói vắn tắt, đó là tinh thần thật sự dễ dạy. Tinh thần dễ dạy vốn ngoan ngoãn, dễ sai khiến, do đó là nhu mì, mềm mại, chịu học hỏi, tập rèn. Tinh thần dễ dạy vốn không thù ghét, không tức giận, do đó, có thể đối diện với sự thật, với chân lý, ngay cả khi chân lý gây đau đớn, lên án. Tinh thần dễ dạy không hề để các thành kiến chế ngự và làm cho mù quáng, nhưng có con mắt sáng sủa để nhìn thấy sự thật. Tinh thần dễ dạy không hề bị sự biếng nhác quyến dụ, nó vốn tự chủ đến độ sẵn sàng và bền bỉ chấp nhận kỷ luật của sự học tập. Đó là đức tính có thể chiến thắng và kiểm soát mọi sự gì khiến con người khó nhìn biết, học tập và vâng theo chân lý.

Chúa ơi, xin giúp con có tính dễ dạy, để con biết học tập và vâng theo chân lý của Ngài.

(c) 2024 svtk.net