Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Phương Cách Cứu Rỗi

Rô-ma 3:21-26

"Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời." (c. #23)

Câu hỏi suy ngẫm: Bạn hiểu những chữ "thiếu mất sự vinh hiển" "xưng công bình", "nhưng không" như thế nào? Làm thể nào để vượt qua "thiếu mất sự vinh hiển" để được "xưng công bình"? Bạn đang ở vị trí nào?

Rô-ma 3:23 là câu Kinh Thánh rất quen thuộc, nói lên tình trạng bi đát của loài người nếu không được Chúa ban ơn cứu rỗi. "Mọi người đều đã phạm tội," đây là thực trạng không ai chối cãi. Dù là người dân nước nào, sống ở đâu, trong tình trạng kinh tế, đạo đức như thế nào... trước mặt Chúa, tất cả đều có tội. Đối với Chúa, mọi người đều đã "thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời," nghĩa là vinh quang của Chúa không còn thể hiện qua loài người. Vì sống trong tình trạng tội lỗi, con người không còn phản ánh vẻ đẹp và đức thánh khiết của Chúa. Nhìn vào con người, ta không còn thấy chút nào bản tính thánh khiết và công bình của Chúa. ("Không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế," TKHĐ).

Một từ ngữ khác chúng ta cần biết trong phân đoạn này là "xưng công bình". Phao-lô viết: "Họ nhờ ân điển Ngài mà được XƯNG CÔNG BÌNH nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ" (c. #24). "Ân điển, ân sủng" là ơn tha thứ đặc biệt, dành cho người không xứng đáng. Chúa yêu thương và hy sinh để cứu ta không phải vì ta xứng đáng nhưng vì Chúa muốn ban ơn đặc biệt. Đáng lẽ phải hình phạt nhưng Chúa đã thương và cứu ta. "Xưng công bình" nghĩa là kể là công bình, kể là vô tội. Đây là từ ngữ dùng trong tòa án. Nếu một người không có tội phải ra tòa, sau khi xét xử thấy người đó vô tội, quan tòa sẽ tuyên bố trắng án. Giả sử bây giờ có một người phạm tội phải ra tòa, sau khi xét xử, quan tòa thấy người đó có tội nhưng lại tuyên bố trắng án, ta nói vị quan tòa đã xưng công bình cho người đó. Đây là điều Chúa đã làm cho ta. Không phải Chúa là quan án không xử đúng luật, nhưng nhờ cái chết hy sinh của Chúa Giê-xu, Ngài tuyên bố chúng ta trắng án, nghĩa là kể như ta không có tội lỗi gì cả. Tội lỗi của chúng ta Chúa Giê-xu đã lãnh thế, do đó Thiên Chúa tuyên bố ta được trắng án.

Từ ngữ "nhưng không" có nghĩa là cho không, không phải mua, không phải trả tiền. Chúng ta không phải làm một điều gì để mua sự "xưng công bình". Thật ra, chúng ta không thể lấy gì để trả giá sự cứu rỗi, vì nếu ta có thể trả, Chúa Giê-xu đã không phải chịu chết để chuộc tội chúng ta.

Phần cuối câu #24 cho thấy rõ điều này: "Bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ." "Chuộc tội" là một danh từ khác dùng để chỉ sự cứu rỗi. Chữ này nhấn mạnh về giá Chúa Giê-xu phải trả để chúng ta được tha thứ. Giá đó chính là "huyết" của Chúa Giê-xu" (c. #25). Phao-lô dùng chữ "huyết của Chúa" để nói về cái chết của Chúa Giê-xu. Nhờ cái chết đó mà ta được kể là vô tội và được chuộc khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Tội lỗi giống như một ông chủ có quyền trên con người, như Chúa Giê-xu đã nói: "Ai phạm tội là nô lệ cho tội" (Giăng 8:34), nhưng Chúa Giê-xu đã trả một giá rất đắt, tức là đã dùng chính mạng sống của Ngài để chuộc con người ra khỏi tình trạng nô lệ đó. Ơn Chúa ban cho chúng ta cũng giống như trường hợp một người bỏ ra một số tiền thật lớn để mua nô lệ rồi phóng thích tên nô lệ đó.

Hai hình ảnh Phao-lô dùng mô tả ơn tha thứ của Chúa là:

1. Vị quan tòa tuyên bố can phạm được trắng án ("xưng công bình").

2. Một người bỏ tiền ra mua nô lệ rồi phóng thích ("chuộc tội").

Hai hình ảnh trên cho thấy ơn yêu thương vô bờ bến của Chúa. Chúng ta chỉ là những tội nhân đáng chết, nhưng Chúa đã yêu thương đến nỗi hy sinh thân Ngài, gánh hình phạt để ta được trắng án, và trả giá chuộc tội để ta được tự do. Vì thế, chúng ta hãy TIN Chúa và tôn thờ Ngài hết lòng để đáp lại phần nào tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

Cám ơn Chúa đã chịu chết để con được trắng án và được tự do. Xin giúp con không quên ơn Chúa nhưng cứ một lòng kính yêu và tôn thờ Ngài.

(c) 2024 svtk.net