Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Tổ Phụ Của Những Người Tin

Rô-ma 4:9-12

"Áp-ra-ham...làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình; và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy." (c. #11-12)

Câu hỏi suy ngẫm: Lễ cắt bì đối với người Do Thái quan trọng ra sao? Việc Áp-ra-ham được xưng công bình trước khi chịu cắt bì có ý nghĩa gì? Điều kiện nào để trở thành con cháu Áp-ra-ham? Tại đây bạn học được gì về sự tương quan giữa đức tin và lễ nghi tôn giáo?

Hai ý chính Phao-lô trình bày trong phần Thánh Kinh chúng ta vừa đọc là:

1. Áp-ra-ham được kể công bình trước khi chịu cắt bì.

2. Điều kiện để được làm con cháu Áp-ra-ham không phải là chịu cắt bì nhưng là có đức tin.

Phép cắt bì là một nghi lễ rất quan trọng đối với người Do Thái. Người chịu cắt bì cũng tương tự như người có chứng chỉ quốc tịch hay bằng chứng, chứng tỏ người ấy là người Do Thái. Người nào thiếu dấu hiệu đó sẽ bị kể là người ngoại lai. Sở dĩ người Do Thái nhấn mạnh về phép cắt bì vì đó là dấu hiệu về giao ước Chúa lập riêng với dân tộc họ và họ tin rằng có dấu hiệu đó họ không những không bị hình phạt mà còn được hưởng nhiều đặc ân của Chúa. Người Do Thái không thể nào tin rằng người không chịu cắt bì lại có thể được hưởng ơn lành của Chúa và họ cho rằng Áp-ra-ham ngày xưa được xưng công bình cũng là nhờ phép cắt bì. Vì lý luận đó, Phao-lô đã tìm cách chứng minh rằng Áp-ra-ham đã được Chúa kể là người công bình khoảng mười ba năm trước khi ông chịu cắt bì (Sáng-thế Ký 15:6; 16:16; 17:24). Như thế chứng tỏ Chúa ban ơn cho Áp-ra-ham không phải vì ông chịu cắt bì nhưng vì ông có đức tin. Phép cắt bì chẳng qua chỉ là dấu hiệu của việc xưng công bình mà Áp-ra-ham đã nhận được trước đó. Tóm lại, Phao-lô muốn chứng minh rằng: Áp-ra-ham được công bình vì ông có đức tin chứ không phải vì ông là người Do Thái; vì ông đã được xưng công bình nên Chúa ban dấu hiệu cắt bì chứ không phải vì có dấu hiệu cắt bì mà ông được xưng công bình.

Sự kiện Áp-ra-ham được kể là người công bình trước khi chịu cắt bì cho thấy chúng ta không cần phải trở nên người Do Thái, tức là không cần phải chịu cắt bì mới được xưng công bình. Hơn nữa, vì có đức tin, chúng ta cũng có thể gọi Áp-ra-ham là ông tổ của chúng ta vì Áp-ra-ham "làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì" (c. #11). Áp-ra-ham cũng là ông tổ của người Do Thái, không phải vì họ chịu cắt bì nhưng vì họ cũng có đức tin như ông (c. #12). Do đó, điểm chung giữa người tin Chúa, người Do Thái và Áp-ra-ham là đức tin chứ không phải là phép cắt bì. Chúng ta không cần phải chịu phép cắt bì để được làm con cháu Áp-ra-ham nhưng chỉ cần có đức tin. Người Do Thái muốn được kể là con cháu thật của Áp-ra-ham cũng phải có đức tin chứ không phải chỉ chịu cắt bì là đủ. Từ những điều Phao-lô trình bày, ta có thể kết luận: Đối với đạo Chúa, đức tin mới là điều quan trọng, còn những nghi lễ tôn giáo chỉ là điều thứ yếu.

Xin giúp con đặt lòng tin trọn vẹn nơi Chúa chứ đừng chỉ chú trọng đến những hình thức lễ nghi bên ngoài. Xin giúp con sống bày tỏ lòng tin nơi Chúa bằng hành động cụ thể để người chung quanh có thể nhìn thấy Ngài qua con.

(c) 2024 svtk.net