Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Đức Tin Và Việc Làm

Gia-cơ 2:14-26

"Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy." (c. #26)

Câu hỏi suy ngẫm: "Đức tin không có việc làm thì chết" điều này có nghĩa gì? Tại sao? Tại đây Gia-cơ có mâu thuẩn với Phao-lô không? Áp-ra-ham chứng tỏ đức tin đưa đến việc làm như thế nào? Bạn áp dụng giáo lý này thế nào trong cuộc sống?

Đây là đoạn sách cần xem xét toàn diện trước khi khảo sát từng phần, nhiều người dùng đoạn sách này để chứng minh rằng Gia-cơ và Phao-lô hoàn toàn khác nhau. Phao-lô nhấn mạnh rằng người ta được cứu chỉ bởi đức tin mà thôi. Nhưng có người cho là Gia-cơ nói ngược lại điều Phao-lô nói.

1. Điểm Gia-cơ nhấn mạnh cũng là điều Tân Ước nhấn mạnh. Giăng Báp-tít giảng rằng người ta phải kết quÁ xứng đáng với sự ăn năn (Ma-thi-ơ 3:8; Lu-ca 3:8) Chúa Giê-xu cũng từng giảng người theo Chúa phải sống thế nào cho người thế gian thấy các việc lành của họ mà tôn vinh Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:16). Ngài nhấn mạnh rằng người ta nhận được chân hay giả căn cứ vào trái của họ, rằng đức tin chỉ nói bằng lời chẳng bao giờ thay thế cho đức tin tự phô bàybằng việc làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 7:15-21).

Các thư của Phao-lô vốn mang nhiều tính chất giáo lý và thần học nhưng cuối cùng luôn luôn có một đoạn nhấn mạnh về Cơ Đốc giáo trong hành động. Ngoài thói quen chung, Phao-lô liên tục nêu rõ tầm quan trọng của công việc như một phần của nếp sống Cơ Đốc. Ông nhấn mạnh rằng mỗi người sẽ phải tự khai trình với Đức Chúa Trời (Rô-ma 14:12). Ông cổ vũ mọi người nên cởi bỏ những việc làm của sự tối tăm để mặc lấy áo giáp sáng láng (Rô-ma 13:12). Ông bảo mỗi người sẽ nhận lấy phần thưởng của mình tùy theo công lao khó nhọc của mình (I Cô-rinh-tô 3:8).

2. Điểm nhấn mạnh chính yếu của Phao-lô là ân sủng và đức tin, còn điểm nhấn mạnh chủ yếu của Gia-cơ lại là hành động và việc lành. Điều Gia-cơ lên án không phải là giáo lý Phao-lô đã dạy, là giáo lý của ông bị người ta làm sai lệch đi. Lập trường của Phao-lô, chỉ tóm tắt trong một câu là "Hãy tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì ngươi sẽ được cứu"(Công-vụ các Sứ-đồ 16:31). Nhưng ý nghĩa đó đưa đến những đòi hỏi nào thì tùy thuộc vào ý nghĩa mà ta gán cho chữ "tin". Có hai cách tin. Có niềm tin hoàn toàn theo lý trí, tức là chấp nhận sự kiện bằng trí tuệ. Chẳng hạn tôi tin bình phương của cạnh huyền trong một tam giác vuông góc bằng tổng số bình phương của hai cạnh còn lại. Nếu cần tôi có thể chứng minh nó. Nhưng tin như vậy chẳng có gì quan trọng liên hệ đến sự sống và cuộc sống của tôi. Mặt khác, tôi tin rằng 6 với 6 là 12, do đó, tôi nhất định không trả hơn 12 đồng nếu tôi mua hai cây bút chì, giá 6 đồng một cây. Tôi chấp nhận sự kiện ấy không những chỉ bằng tâm trí mà còn bằng cả đời sống và hành động. Điều Gia-cơ đang chống là cách tin thứ nhất, là chấp nhận một sự kiện nhưng không để cho nó có bất cứ Ánh hưởng nào trên cuộc sống. Ma quỉ tin có Đức Chúa Trời bằng lý trí, niềm tin của chúng chẳng thay đổi được chúng chút nào. Phao-lô chủ trương cách tin thứ hai, tin Chúa Giê-xu là đưa niềm tin ấy vào mọi góc cạnh, mọi lãnh vực của cuộc sống, và sống bằng đức tin ấy.

Gia-cơ lên án việc nói mà không làm và với cách lên án đó, thì Phao-lô cũng phải hoàn toàn đồng ý.

3. Điểm khác giữa Gia-cơ và Phao-lô: hai vị đã bắt đầu tại hai thời điểm khác nhau trong nếp sống Cơ Đốc. Phao-lô bắt đầu tại khởi điểm. Ông nhấn mạnh rằng, chưa hề có ai nhờ lập công cố sức mà được sự tha tội của Đức Chúa Trời. Bước đầu tiên đó phải do ân sủng được ban cho vô điều kiện của Đức Chúa Trời con người chỉ có thể nhận được sự tha tội mà Đức Chúa Trời, ban cho mình trong Chúa Giê-xu.

Gia-cơ bắt đầu ở giai đoạn người "tự xưng là Cơ Đốc nhân", người rêu rao mình đã được tha tội, được giải hòa, đã có mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Với Gia-cơ người như thế phải sống một đời sống mới vì người ấy đã là một con người mới. Người ấy đã được xưng nghĩa, bây giờ người ấy phải chứng tỏ mình đã được nên thánh. Trong quan điểm đó, Phao-lô chắc phải hoàn toàn đồng ý với Gia-cơ.

Vấn đề là chẳng một ai có thể nhờ việc làm để được cứu rỗi, nhưng cũng không hề có ai được cứu để chẳng làm một việc gì cả. Cách so sánh hay nhất có lẽ là so sánh với một người được yêu thương nhiều nhất. Người ấy vốn biết chắc chắn mình không xứng đáng được yêu mến, nhưng cũng biết chắc rằng mình phải dành cả đời sống còn lại để sống sao cho xứng đáng với tình yêu thương ấy.)

Tóm lại, chúng ta không nhờ việc làm để được cứu, mà chúng ta được cứu để làm việc, đó là hai chân lý song sinh của đời sống Cơ Đốc nhân.

Cảm tạ Chúa bởi ân sủng Ngài cứu con, xin giúp con sống xứng đáng với ơn nhận được.

(c) 2024 svtk.net