Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Nói Và Làm

Gia-cơ 2:14-17

"Về đức tin, cũng một lẽ ấy, nếu đức tin không sinh ra việc làm thì tự mình nó sẽ chết". (c. #17)

Câu hỏi suy ngẫm: Gia-cơ dùng trường hợp nào để dẫn chứng cho đức tin không có việc làm? Đức tin không có việc làm có phải là đức tin không? Tại sao? Bạn kinh nghiệm đức tin dẫn đến việc làm trên đời sống bạn như thế nào?

Điều Gia-cơ không thể chấp nhận là nói mà không làm. Ông chọn một dẫn chứng sống động cho ngụ ý đó. Giả sử có một người không cơm ăn, áo mặc, và có người tự xưng là bạn thân thật tình muốn giúp đỡ người đang bị hoạn nạn ấy, và nếu sự giúp đỡ ấy chỉ là lời nói suông mà không có nỗ lực nhằm giảm nhẹ sự hoạn nạn cho kẻ bất hạnh kia, thì mọi lời đó có ích lợi gì? Lòng ưu ái mà không được biến thành hành động có kết quả thực tiễn, thì có ích lợi gì? Vậy nên, Gia-cơ bảo đức tin mà không có việc làm là đức tin chết. Đoạn sách này trước hết phải dành cho người Do Thái.

1. Đối với người Do Thái, bố thí là việc làm quan trọng hàng đầu. Với họ, nó quan trọng đến nỗi sự công chính và sự bố thí chỉ là một. Sự bố thí được xem là một cách bào chữa khi người ta bị Đức Chúa Trời phán xét. Khi các cấp lãnh đạo Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đồng ý để cho Phao-lô ra đi đến với dân ngoại, lời khuyên duy nhất được phó thác cho ông là chớ quên kẻ nghèo nàn (Ga-la-ti 2:9,10). Sự giúp đỡ thực tế là một trong những dấu hiệu quan trọng và đẹp đẽ của người Do Thái tin kính.

2. Tôn giáo Hy Lạp vốn có truyền thống không nhấn mạnh lòng thương cảm, bố thí. Đây chính là điểm hoàn toàn đối nghịch với quan điểm Do Thái giáo. Với người Do Thái thì hạnh phúc là tích cực chia sẻ sự bất hạnh với tha nhân.

3. Từ hai nền tôn giáo dó, Gia-cơ đề cập chủ đề này thật có lý. Chẳng có gì nguy hiểm hơn là cứ nói đi nói lại rằng mình cảm động, nhưng không biến sự cảm động đó thành việc làm. Kinh nghiệm cho thấy khi lòng ta được cảm động mà không biến nó thành hành động, dần dà ta sẽ ít cố gắng biến nó thành hành động hơn. Người ta không có quyền nói rằng mình thương hại, xót thương một ai nếu không cố gắng biến sự thương hại, thương xót đó thành hành động. Cảm động, xót thương, không phải là cái gì để người ta dùng làm món hàng trang sức xa xí, nó là cái gì để người ta phải trả giá, nỗ lực, chịu cực khổ khép mình vào, phải hi sinh để biến nó thành một hành động quan trọng trong đời sống.

Xin Chúa ban cho con tấm lòng đầy tình yêu thương, và giúp con không chỉ nói về yêu thương mà sống với tình yêu đó.

(c) 2024 svtk.net