Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Những Lời Mời Gọi

Châm-ngôn 9:1-18

"Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng." (c. #10)

Câu hỏi suy ngẫm: Có hai lời mời gọi nào? Mục đích của hai lời mời gọi khác nhau thế nào? Sự đáp ứng khác nhau đưa đến kết quả khác nhau ra sao? Làm sao để bạn nhận biết được đâu là tiếng gọi của sự khôn ngoan thật?

Phân đoạn chúng ta đọc hôm nay so sánh hai lời mời: lời mời của sự khôn ngoan và lời mời của sự điên dại. Cả hai đều được nhân cách hóa như hai người đàn bà kêu gọi mọi người đến ăn: khôn ngoan mời đến dự tiệc còn điên dại đề cao việc ăn vụng.

1. Bữa tiệc của sự khôn ngoan, c. #1-6. Đây là hình ảnh của một người giàu có, tử tế, chuẩn bị một bữa tiệc linh đình và mời mọi người đến dự. "Bảy cây trụ"rụ" ểm của một căn nhà lý tưởng, theo tiêu chuẩn xây cất ngày xưa. Nói khác đi, tất cả những gì khôn ngoan có đều đúng và lý tưởng, nàng khôn ngoan mời mọi người đến thưởng thức.

2. So sánh "kẻ nhạo báng" và "người khôn ngoan", c. #7-12. Phần này có vẻ như không liên hệ gì đến hai lời mời gọi, nhưng thật ra là để đối chiếu thái độ của hai hạng người. Trước khi đưa ra lời kêu gọi của sự điên dại, tác giả cho thấy, đối với người coi thường lời khuyên dạy (hay còn gọi là "kẻ nhạo báng"), thì những lời kêu gọi không có ý nghĩa gì cả. Nếu cố gắng khuyên lơn người coi thường lời khuyên dạy, ta chỉ làm cho họ thêm bực mình, ghét ta và chính chúng ta sẽ phải hối hận. Ngược lại, đối với người biết nghe, lời khuyên sẽ có tác dụng tốt và họ sẽ mang ơn ta. Phân đoạn này hàm ý rằng khi có người yêu thương, sửa sai ta nên sẵn sàng nghe theo, đó mới là khôn ngoan thật. Còn nếu khi người khác yêu thương, muốn giúp mà ta oán giận hay buồn phiền, thì đó không phải là hành động của một người hiểu biết.

Tác giả cũng cho thấy kính sợ Chúa là khởi đầu của mọi khôn ngoan. Đây cũng là chủ đề của sách Châm Ngôn. Tóm lại, câu #12 cho thấy, người khôn ngoan, tiếp nhận lời khuyên dạy đem lại ích lợi cho mình còn người coi thường lời khuyên dạy tất nhiên sẽ mang lấy hậu quả khốc hại.

3. Bữa ăn của sự điên dại, c. #13-18. Những chữ "đàn bà điên cuồng" nên dịch là "bà ngu xuẩn" như bản Kinh Thánh Công Giáo thì rõ nghĩa hơn. Đây không phải là tiếng để chỉ một người đàn bà nhưng là nhân cách hóa sự điên dại để đối chiếu với "nàng khôn ngoan". "Nàng khôn ngoan" cất nhà tốt, lý tưởng, bày mâm cao, cỗ rộng, thức ăn thịnh soạn và mời mọi người đến dự tiệc. Dự tiệc tức là lãnh hội khôn ngoan. Trong khi đó, "nàng ngu xuẩn" không làm gì cả, chỉ kêu gọi người ta ăn trộm, ăn cắp và cho như thế mới ngon ngọt. Trong đời sống hằng ngày chúng ta cũng nghe thấy những lời mời tương tự. Trần gian đưa ra những thú vui, thú tiêu khiển hay những lời cám dỗ ngon ngọt khiến cho chúng ta phạm tội. Họ nói rằng không sao đâu, làm điều bị cấm mới thích thú, những mối tình vụng trộm mới có ý nghĩa, hoặc: sống khác người mới là người đặc biệt, hơn người... Tất cÁ đều là những lời mời gọi điên dại nhưng có lắm người đã đi theo để rồi chuốc lấy đau khổ: "Những người chẳng biết rằng kẻ chết ở đó và những người khác của nàng đều ở dưới chốn sâu của âm phủ" (c. #18).

Mỗi ngày đều có những tiếng gọi mời bên tai chúng ta. Có những lời mời gọi đến những điều cao quý, tốt đẹp, khôn ngoan; nhưng cũng có những lời ngon ngọt xui cho chúng ta phạm tội. Vốn bản tính yếu đuối, chúng ta dễ nghe theo những lời ngon ngọt, giả dối. Vì thế ta cần xin Chúa giúp chúng ta phân biệt được những tiếng gọi đó và chỉ nghe theo những lời mời gọi của khôn ngoan, tức là của chính Ngài.

Xin giúp con biết nghe lời kêu gọi khôn ngoan và tránh khỏi những lời kêu gọi dại dột. Xin giúp con biết sẵn sàng chịu sửa trách để được khôn ngoan hơn.

(c) 2024 svtk.net