Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Không Ăn Năn

Khải-huyền 9:7-21

"Còn những người sót lại, chưa bị các tai nạn đó giết đi, vẫn không ăn năn những công việc bởi tay chúng nó làm, cứ thờ lạy ma quỉ cùng thần tượng bằng vàng, bạc, đồng, đá và gỗ là những tượng không thấy, không nghe, không đi được. Chúng nó cũng không ăn năn những tội giết người, tà thuật, gian dâm, trộm cướp của mình ra nữa." (c. #21)

Câu hỏi suy ngẫm: Ăn năn nghĩa là gì? Tại sao phải ăn năn? Tại sao số người còn sót lại cũng không ăn năn? Bạn đã ăn năn tội và tin Chúa Giê-xu chưa? Đã tin Chúa rồi bạn có cần phải ăn năn nữa không? Kết quả sự không ăn năn là gì?

Thánh Kinh Từ Điển do soạn giả cố giáo sĩ W.C. Cadman, trang 92 có lời giải thích về sự ăn năn như sau: "Nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ "ăn năn" là "Nacham" có ý là được an ủi. Trong Kinh Thánh tiếng Gờ-réc là "Métanoia" nghĩa là "đổi ý" (Ma-thi-ơ 3:2; Công-vụ các Sứ-đồ 17:30). Trong nguyên văn có hai chữ: 1) hối hận, như Giu-đa phản Chúa rồi sau tự tử (Ma-thi-ơ 27:3) 2) Hối cải, như đứa con trai phóng đãng tỉnh ngộ quay đầu về với cha (Lu-ca 15:17,18). Loài người có sự ăn năn, nhưng Cựu Ước chép Đức Chúa Trời cũng có điều ăn năn (Sáng-thế Ký 6:6,7; I Sa-mu-ên 15:11; Thi-thiên 106:43-45; Jon 3:10), vì Ngài có khi đổi ý với một người hoặc một dân nào; trước họ tốt thì Ngài thương xót, nhưng sau họ xấu thì Ngài đoán phạt. Trái lại nếu người đó, hoặc dân đó trước phạm tội nhưng sau biết hối cải, ăn năn thì Ngài đoái xem, vùa giúp, ban phước cho (Giê-rê-mi 18:8). Tân Ước thường xuyên khuyên người ta ăn năn, tin Chúa thì được tha tội (Ma-thi-ơ 4:17; Lu-ca 15:7; Công-vụ các Sứ-đồ 2:38; 3:19; 11:18). Tấm lòng ăn năn được tỏ ra bởi sự kết quả (Ma-thi-ơ 3:8; Lu-ca 6:43-46; Công-vụ các Sứ-đồ 26:20). Chúa muốn mọi người đều ăn năn (II Phi-e-rơ 3:9). "Sự buồn rầu theo ý Chúa sinh ra sự hối cÁi, và sự hối cÁi dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sinh ra sự chết" (II Cô-rinh-tô 7:10). Khi các giáo sĩ dịch từ ăn năn ra tiếng dân tộc Koho thì phải dùng một từ ghép có ý là "ghét bỏ tội". Nếu cần nói thêm thì trước khi ghét bỏ tội, tội nhân phải nhận tội và xưng tội, và sau khi ghét bỏ tội rồi thì có khi còn phải đền bù tội như Xa-chê (Lu-ca 19:8), và cậy ơn Chúa để không tái phạm tội nữa.

Hình phạt gán trên loài người bởi các tai nạn như đã ghi trong Khải-huyền 8:1-9:21 này là do tội lỗi của họ đã làm và đã phạm như có chép trong câu #20-21 được dùng làm câu gốc ghi trên. Nhiều người không phạm tội giết người, tà thuật, gian dâm, trộm cướp, nhưng cũng không khỏi bị hình phạt về tội "thờ lạy ma quỉ cùng các thần tượng bằng vàng, bạc, đá và gỗ là những tượng không thấy, không nghe, không đi được." Pha-ra-ôn, vua nước Ai Cập ngày xưa, không chịu nghe lời Đức Chúa Trời để cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi, và khi Ngài giáng tai vạ để cảnh cáo thì "cứng cỏi", rắn lòng" và "cứng lòng". Sau năm tai vạ mà Pha-ra-ôn không ăn năn thì Đức Chúa Trời làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng không thể ăn năn nữa! (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:32; 8:15,19,32; 9:7,12). Đó là tình trạng nguy hiểm vô cùng, bị Đức Chúa Trời phó mặc, kẻ cứng lòng, không chịu ăn năn, nhưng "cứ lầm lạc trong ý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm;" "tự xưng mình là khôn ngoan nhưng đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát, lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu thú, côn trùng" (Rô-ma 1:21-28).

Đức Chúa Giê-xu phán: "Nếu các ngươi chẳng ăn năn thì hết thảy sẽ bị hư mất" (Lu-ca 13:3,5). Đức Chúa Trời kêu gọi "hết thảy các ngươi trong mọi nơi đều phải ăn năn" (Công-vụ các Sứ-đồ 17:30). Ngài "không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn" (II Phi-e-rơ 3:9). Bạn có tội lỗi nào cần phải ăn năn không?

"Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội" (Lu-ca 18:13).

(c) 2024 svtk.net