Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Luật Pháp và Tội Lỗi

Rô-ma 7:7-13

"Luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành." (c. #12)

Câu hỏi suy ngẫm: Theo Phao-lô, luật pháp có đặc điểm nào? Có phải bởi luật pháp mà chúng ta trở nên tội lỗi không? Tội lỗi đã lợi dụng luật pháp ra sao? Bằng cách nào chúng ta không để tội lỗi lợi dụng luật pháp để đưa chúng ta đến chỗ phạm tội?

Xin quý vị đọc lại phân đoạn Thánh Kinh vừa rồi theo Thánh Kinh Hiện Đại để thấy rõ ý nghĩa hơn:

Nói thế, có phải luật pháp là tội lỗi không? Tuyệt đối không! Luật pháp không phải là tội nhưng dạy tôi biết điều gì là tội. Tôi không biết tham muốn là tội, nếu luật pháp không dạy: "Con đừng tham muốn." Nhưng tội lỗi lợi dụng điều răn này để đánh thức mọi thứ tham muốn xấu xa dồn ép trong tôi. Vậy tội lỗi sẽ chết nếu không có luật pháp. Khi chưa có luật pháp, tôi sống, nhưng khi có luật pháp rồi, tội lỗi vùng dậy giết tôi. Tôi nhận thấy đáng lẽ điều răn chỉ dẫn con đường sống, lại đưa tôi vào cõi chết. Vì tội lỗi đã lợi dụng điều răn để lừa dối tôi, và nhân đó giết tôi. Vậy, luật pháp và điều răn đều là thánh, đúng và tốt. Như thế, điều tốt lại giết chết tôi sao? Không bao giờ! Đó là tội lỗi đã để lộ thực chất của nó khi mượn điều tốt đưa tôi vào cõi chết. Lợi dụng điều răn của Đức Chúa Trời, tội lỗi thật quỷ quyệt hiểm độc vô cùng. (Rô-ma 7:7-13)

Sứ đồ Phao-lô đang nói về liên hệ giữa người tin Chúa với luật pháp Môi-se. Các câu chúng ta vừa đọc trình bày hai vấn đề: (1) Luật pháp chỉ cho ta biết tội lỗi. (2) Luật pháp làm tội lỗi gia tăng.

Trong chương 6 Phao-lô nói người tin Chúa "chết về tội lỗi", còn trong chương 7 ông lại nói "chết về luật pháp." Do đó có người sẽ đặt câu hỏi: Như vậy tội lỗi và luật pháp cũng là một hay sao? (c. #7). Câu trả lời dĩ nhiên là: không ("chẳng hề như vậy"). Tuy nhiên tội lỗi và luật pháp có liên hệ với nhau, vì 'luật pháp cho người ta biết tội lỗi" (#3:20). Nói khác đi, phải có luật pháp người ta mới xác định được điều nào là tội, điều nào không phải là tội. Phao-lô không đả phá luật pháp, vì chính ông đã nói: "luật pháp là thánh, công bình và tốt lành" (c. #12). Điều Phao-lô muốn trình bày là, khi có luật pháp, bản tính tội lỗi trong con người gia tăng. Phao-lô dùng luật "Ngươi chớ tham lam" để làm ví dụ. Lòng tham của con người vẫn có từ trước, tuy nhiên, khi luật pháp bảo "ngươi chớ tham lam", lòng tham ấy gia tăng mãnh liệt và "sinh ra mọi thứ ham muốn trong lòng" (c. #8). Nếu quan sát hành động của trẻ con, ta sẽ thấy rõ điều này. Khi bị cấm đoán một điều gì, trẻ con thường thích làm điều đó và càng cố làm cho bằng được. Trong đời sống hằng ngày ta cũng thấy như vậy, điều gì càng cấm đoán người ta lại càng muốn làm. Phao-lô gọi điều đó là "tội lỗi đã nhân dịp" (c. #8). Thánh Kinh Hiện Đại dịch là: "Tội lỗi lợi dụng." Điều răn thật ra không xấu, nhưng tội lỗi đã dùng điều răn để khơi động thêm tội lỗi trong lòng người, và đó là nhược điểm của luật pháp. Luật pháp chỉ làm cho con người biết tội và muốn phạm tội thêm, vì vậy luật pháp là môi trường tốt để nuôi tội lỗi. Luật pháp bao giờ cũng tốt (c. #12), nhưng tội dùng luật pháp để gây thêm tội: "mượn điều tốt đưa tôi vào cõi chết" (c. #13, TKHĐ). Điều này cho thấy tính cách độc hại của tội lỗi, vì nó dùng điều ngăn cấm tội để gây thêm tội.

Tuy nhiên, chúng ta không thể dựa vào phân đoạn Thánh Kinh này để nói rằng chúng ta phạm tội là vì luật pháp nên cứ đổ lỗi cho luật pháp. Trình bày vấn đề trên, Phao-lô chỉ muốn chúng ta thấy rõ nguy hiểm của tội lỗi và sự bất lực của luật pháp trong việc cứu rỗi loài người. Những ai chủ trương giữ luật để được cứu cũng sẽ thấy rõ thất bại của mình, vì luật pháp thật sự chỉ gây thêm tội chứ không giải quyết vấn đề tội lỗi. Vì vậy, điều quan trọng không phải là đặt thêm luật nhưng là phải giải quyết vấn đề tội lỗi tận gốc rễ, qua cái chết hy sinh của Chúa Giê-xu.

Cám ơn Chúa đã cho con thấy rõ tính cách độc hại của tội lỗi, vì nó có thể dùng luật lệ để gây cho con phạm tội nhiều hơn. Xin giúp con biết nhờ vào sức của Chúa để chiến thắng tội lỗi trong đời sống hằng ngày.

(c) 2024 svtk.net