Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Con Đường Sự Sống

Châm-ngôn 11:16-21

"Người nào vững lòng ở công bình được đến sự sống, còn kẻ săn theo ác gây sự chết cho mình." (c. #19)

Câu hỏi suy ngẫm: Hai hạng người nào được đề cập trong phân đoạn này? Mỗi hạng người sẽ nhận lấy phước lành hay tai họa nào? Tại sao có phước lành và tai họa (c. #20)? Những điều bạn đang làm sẽ dẫn đến phước lành hay tai họa?

Người đàn bà có duyên được tôn trọng, còn người đàn ông hung bạo được tài sản (c. #16). Đây là một lối so sánh đặc biệt để đề cao người đàn bà có những mỹ đức: Người phụ nữ duyên dáng chắc chắn được tôn trọng, cũng giống như người hung bạo thì cướp giựt được tài sản của người khác. Đây không phải là lời khuyên ta nên hung bạo, nhưng nói lên một sự thật chắc chắn: Người đàn bà muốn được tôn trọng phải có duyên. "Có duyên" không nhất thiết là duyên dáng, đẹp đẽ nhưng nói lên đức tính đôn hậu, hòa nhã, dịu dàng. Đây là lời khuyên dành cho các bà các cô: muốn được tôn trọng hãy để ý đến vẻ đẹp bên trong, hay "sự trang sức bề trong, đó là tâm hồn dịu dàng, yên lặng" (I Phi-e-rơ 3:4).

Người nhân từ làm lành cho linh hồn mình, còn kẻ hung bạo xui khổ cực cho thịt mình (c. #17). Câu này nghĩa là nếu chúng ta sống tử tế, nhân đức, ta làm cho chính mình được vui vẻ, thoải mái. Sống hung bạo ta chỉ làm khổ chính mình. Nhiều người kinh nghiệm điều này: khi làm ơn, giúp đỡ người khác, ta thấy trong lòng sung sướng, bình an; còn ghen ghét, hận thù chỉ làm cho ta buồn khổ.

Kẻ dữ ăn được công giá hư giả, song ai gieo điều công bình hưởng phần thưởng chắc chắn (c. #18). Những người xấu nhờ mánh lới hay phương cách gian dối, kiếm được nhiều lợi lộc vật chất; tuy nhiên, những lợi lộc đó rất chóng tàn, vì nó chỉ là giả tạo. Ngược lại, người làm điều tốt chắc chắn sẽ được thưởng. Câu này nhắc chúng ta không nên làm ăn bằng những phương tiện bất chính. Đừng lo sống lương thiện sẽ bị nghèo thiếu. Thi văn ta cũng có câu: "Của phi nghĩa có giàu đâu? Ở cho có đức giàu sang mới bền!"

Người nào vững lòng ở công bình được đến sự sống, còn kẻ săn theo ác gây sự chết cho mình (c. #19). Câu này nối tiếp ý câu trên, khích lệ ta làm điều tốt. Lắm khi kẻ ác cứ hưng thịnh, dù vậy, chúng ta hãy "vững lòng ở công bình", nghĩa là hãy cương quyết gạt bỏ mọi cám dỗ, kiên trì sống ngay thẳng cho đến cuối cùng. Những người sống theo tiêu chuẩn gian dối chắc chắn sẽ bị diệt vong.

Kẻ có lòng gian tà lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, nhưng ai có tính hạnh trọn vẹn được đẹp lòng Ngài (c. #20). Câu này nói lên bản chất thánh khiết của Chúa: Chúa ghê tởm tội ác nhưng yêu thích những điều công bình, chính trực. Là người, ta không thể nào có "tính hạnh trọn vẹn", nhưng câu này hàm ý chúng ta cố gắng tối đa để sống vui lòng Chúa. Thật ra, ta không thể cố gắng nhưng là nhờ vào sức của Chúa. Ghi nhớ bản tính thánh khiết của Chúa, ta sẽ ghê tởm tội lỗi và sống vui lòng Chúa hơn.

Quả thật kẻ gian ác chẳng hề khỏi bị hình phạt, song dòng dõi người công bình sẽ được cứu khỏi (c. #21). Đây là lời an ủi, khích lệ những người sống ngay thẳng. Chung cuộc của đời sống mới là điều quan trọng. Người ác, dù hưng thịnh đến đâu, chắc chắn sẽ không tránh khỏi hình phạt. Còn nếu ta kiên tâm sống theo tiêu chuẩn của Chúa, chẳng những ta, mà con cháu của ta cũng sẽ được phước.

Chúa ơi, xin giúp con hướng lòng về Chúa tìm kiếm điều chính trực, công bình và biết ghê sợ điều ác, điều tội.

(c) 2024 svtk.net