Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 23

Thực Tại Cứu Rỗi

Thi-thiên 51:1-10

"Đức Chúa Trời ôi, xin hãy dựng nên trong con một lòng trong sạch. Và làm cho mới lại trong con một thần linh ngay thẳng" (c. #10).

Câu hỏi suy ngẫm: Đa-vít đã xưng tội với Chúa như thế nào? Lời xưng tội của Đa-vít cho thấy tình trạng chung nào của nhân loại? Chúng ta có thể đạt đến tấm lòng trong sạch không? Làm sao để đạt được?

Chúa đến không những chỉ để làm đối tượng cho một mô hình khả thể mà Ngài còn cung cấp phương cách và phương tiện để chu toàn khả thể đó. Chúa, bởi quyền năng sáng tạo của Ngài tạo dựng và trang bị điều kiện để chúng ta có thể đạt đến mục đích tối hậu của sự sống. Nhưng chúng ta chỉ có thể cảm nhận và quí trọng công đức và chương trình sáng tạo của Chúa cho mỗi cuộc đời khi chúng ta càng ý thức sâu sắc tình trạng tuyệt vọng và bi đát của chúng ta.

Từ khi A-đam, tổ phụ của loài người phạm tội, mỗi chúng ta được sinh ra trong trần thế với một bản chất và hoàn cảnh không được như lúc ban đầu, khi A-đam và Ê-va chưa phạm tội. Tình trạng suy thoái đó được Kinh Thánh nhắc nhở bằng nhiều cách: mất sự vinh hiển của Chúa, tội lỗi... Vua Đa-vít ý thức trong bẩm sinh: Kìa tôi sinh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi (Thi-thiên 51:5). Thánh Phao-lô khẳng định: Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23).

Chủ nghĩa nhân bản cũng chủ trương như một triết thuyết Á Đông "nhân chi sơ tánh bổn thiện" mà con người nếu biết cách gây dựng sẽ trở thành hoàn hảo. Người người thường nhìn quanh để so sánh với người xấu hơn mình khi mình phạm lỗi và như vậy tìm cách để biện minh hành động của mình. Kinh Thánh không phẩm định chúng ta theo những người chung quanh ta mà theo mẫu mực Chúa định. Khi Ca-in giết em mình, Chúa ban cho Sết để thế A-bên. Sết mang ảnh tượng của A-đam (Sáng-thế Ký 5:31) cho nên có toàn hảo gì đi nữa, chúng ta cũng không thoát khỏi tâm tánh tội lỗi của tổ phụ loài người. Chỉ có hai đường rõ rệt vạch ra trước mắt. Một là con đường của Ca-in, không chịu phục thiện, không quản trị nỗi tự ái và cơn giận hoảng nên đã rơi vào "tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm" (Sáng-thế Ký 4:7 b), mặc dầu Chúa đã nhân từ khuyên dạy và cáo trách.

Con đường thứ hai là con đường Vua Đa-vít đã theo sau khi phạm tội và bị cáo trách, ông đã ghi lại những dòng chữ này: Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót con tùy theo lòng nhân từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm con theo sự từ bi rất lớn của Chúa ...Vì con nhận biết các sự vi-phạm con, tội lỗi con hằng ở trước mặt con. (Thi-thiên 51:1-3)

Một khi chúng ta qui phục Chúa với lòng biết phục thiện, với lòng "đau thương thống hối Chúa không bao giờ khinh dể đâu" (Thi-thiên 51:17 b), chúng ta sẽ kinh nghiệm được một tấm lòng trong sạch và một thần linh ngay thẳng mới trong công tác và mục đích nhập thể của Chúa.

Đức Chúa Trời ôi, xin hãy dựng nên trong con một lòng trong sạch và làm cho mới lại trong con một thần linh ngay thẳng.

(c) 2024 svtk.net