Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Bài Ca Về Người Đầy Tớ

Ê-sai 49:1-7

"Con không những đem dân Ta trở về với Ta mà còn làm ánh sáng cho các dân tộc trên thế giới để đem ơn cứu độ đến cho họ nữa!" (c. #6, TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Hình ảnh người đầy tớ trong phân đoạn này có những đặc điểm nào? Chỉ về ai? Sứ mạng nào của người đầy tớ ở đây được nhấn mạnh? Sứ mạng đó có ý nghĩa ra sao? Trong phạm vi nào? Kết quả ra sao? Tại sao con đường "đầy tớ" con đường dẫn đến vinh quang? Những phân đoạn Kinh Thánh trong Ê-sai 42:1-9; 49:1-7; 50:4-9; 52:13-53:12 được mệnh danh là những "Bài Ca Về Người Đầy Tớ Đau Khổ" (Suffering Servant Songs). Nhiều người cho rằng người đầy tớ trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay chỉ về Ê-sai, người được Chúa kêu gọi để thi hành chức vụ tiên tri đem dân Y-sơ-ra-ên trở về với Ngài (c. #1, 2), có người nghĩ rằng người đầy tớ ở đây chỉ về dân tộc Y-sơ-ra-ên căn cứ vào câu #3, có người cho rằng chỉ về Chúa Giê-xu căn cứ vào câu #5, 6. Thực ra, trong lịch sử, Đức Chúa Trời đã dùng dân tộc Y-sơ-ra-ên, các tiên tri và cuối cùng Chúa Giê-xu như những đầy tớ để thực hiện mục đích của Ngài cho toàn thế giới. Dầu sao, phân đoạn Kinh Thánh hôm nay cũng nhằm mô tả đời sống của mọi đầy tớ của Đức Chúa Trời. Trước hết, người đầy tớ của Chúa được gọi và lập từ trong bụng mẹ (c. #1,5). Chúa đã lựa chọn và gọi đích danh để làm công tác của Ngài. Đây cũng là trường hợp Phao-lô, người được chọn từ trong bụng mẹ (Ga-la-ti 1:15) để rao truyền Phúc Âm cho dân ngoại. Không những được chọn, người đầy tớ được bảo bọc che chở và giấu kín trong bàn tay yêu thương của Chúa cho đến khi thời điểm đã đến. Người đầy tớ được trang bị bằng lời Chúa, và người đầy tớ, Lời Chúa được rao ra như gươm bén, như tên nhọn (c. #2). Nếu trong bài ca thứ nhất (Ê-sai 42:1-9) công tác người đầy tớ là truyền rao sự công chính thì trong bài ca này, công tác của người đầy tớ là giải hòa. Những chữ "dẫn Gia-cốp đến cùng Ngài," "nhóm Y-sơ-ra-ên trở về cùng Ngài" (c. #5) "lập lại các chi phái Gia-cốp," "Y-sơ-ra-ên lại được trở về" (c. #6) cho thấy sứ mạng hòa giải của người đầy tớ. Điều quan trọng đối với dân Y-sơ-ra-ên trong thời Ê-sai không phải là được trở về quê cha đất tổ nhưng là quay về với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, việc đem dân Y-sơ-ra-ên trở về với Chúa chỉ là "việc nhỏ" (c. #6). Sứ mạng người đầy tớ không chỉ hạn hẹp trong một dân tộc được lựa chọn nhưng còn đem ánh sáng và ơn cứu rỗi cho các dân tộc trên thế giới (c. #6 b). Ảnh hưởng của người đầy tớ lan rộng đến các dân tộc đến nỗi "Các vua sẽ đứng lên chào mừng, các lãnh tụ sẽ đến thờ lạy..." (c. #7b, TKHĐ). Có những lúc công tác người đầy tớ dường như thất bại vì Lời Chúa không được đáp ứng (c. #4), có những lúc bị khinh dể, ghen ghét, chà đạp (c. #7) nhưng người đầy tớ vẫn giao phó công tác mình trong tay Chúa thành tín. Những danh hiệu Chúa Hằng Hữu (Đức Giê-hô-v a), Đấng Cứu Chuộc, Đấng Thánh, Đấng Thành Tín (c. #7) cho thấy những đặc điểm của Đấng sai phái. Những đặc điểm này khích lệ và bảo đảm cho sứ mạng mà người đầy tớ thực hiện, nhờ đó người đầy tớ sẽ không lùi bước, không ngã lòng. Công tác người đầy tớ nhằm mục đích đem vinh quang cho Chúa Hằng Hữu (c. #3), nhưng rồi khi công tác hoàn tất người đầy tớ sẽ được Ngài tưởng thưởng và hưởng được vinh quang (4c, 7). Mỗi chúng ta cũng được kêu gọi để nhận lấy chức phận của người đầy tớ. Sự lựa chọn, kêu gọi, đặc điểm, và công tác của người đầy tớ được mô tả trong bài ca này chính là những điều chúng ta cần nắm bắt và thực hiện. Con đường "đầy tớ" là con đường duy nhất dẫn đến vinh quang. Xin Chúa cho con biết noi gương Chúa Giê-xu, Người Đầy Tớ của Đức Chúa Trời, sống và hành động xứng đáng với chức phận Ngài giao.

(c) 2024 svtk.net