Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Tỉnh Thức Và Than Khóc

Giô-ên 1:5-14

"Ngươi khá than khóc như một người nữ đồng trinh mặc bao gai đặng khóc chồng mình thuở còn trẻ tuổi" (c. #8). Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này tai họa được mô tả như thế nào? Trước tai họa đó, tại sao Chúa bảo mọi người phải than khóc thay vì cam đảm và kiên trì đối phó? Sự than khóc ở đây mang ý nghĩa nào? Trong những trường hợp nào Chúa muốn bạn than khóc? Trong các câu Kinh Thánh hôm nay, Giô-ên mô tả đàn cào cào giống như "một dân mạnh" hay đúng hơn là "một đạo quân", và răng cào cào giống như răng sư tử. Dầu là những côn trùng nhỏ bé, nhưng với số lượng đông đảo, đàn cào cào tàn phá ghê gớm không khác gì một đạo quân khát máu, hay một bầy sư tử hung dữ. Các tài liệu cổ, cũng như những bằng chứng hiện đại cũng xác nhận mức độ tàn phá ghê gớm của cào cào. Tác giả G.R. Driver tường trình đàn cào cào tàn phá vùng Levant. Đàn cào cào này có khoảng 24,420 tỷ con, chúng bao phủ đến hai ngàn đặm vuông đất. Vào thập niên 1950, một đàn cào cào đã tấn công tiểu bang California. Tại một quận nọ, chúng phủ kín mặt đất một vùng rộng 200,000 mẫu, nhiều chỗ lớp nọ chồng lên lớp kia. Đàn cào cào thời Giô-ên tàn phá tất cả. Đồng ruộng, vườn cây đã bị hư hại hết. Người uống rượu không còn rượu để uống, dân chúng hết lương thực để ăn, đền thờ hết cả ngũ cốc để làm của lễ. Tất cả mọi sinh hoạt đều bị đình trệ. Trước hoàn cảnh tai họa ngặt nghèo ấy, Chúa kêu gọi mọi người hãy than khóc như "một người nữ đồng trinh mặc bao gai đặng khóc chồng mình thuở còn trẻ tuổi". Người nữ đồng trinh ở đây là người thiếu nữ đã hứa hôn, nàng than khóc vì người chồng tương lai của mình đã qua đời trước ngày thành hôn. Trong xã hội người Do Thái xưa, việc hứa hôn là hy vọng xinh đẹp mọi người quý trọng, đến nỗi họ cho những chàng thanh niên đang lúc hứa hôn được quyền đặc miễn nghĩa vụ quân sự. Cho nên tiếng các cô than khóc người chồng hứa của mình là tiếng than não nuột, ai oán nhất. Chúa kêu gọi mọi người hãy than khóc. Có phải Chúa dạy dân Ngài tinh thần nhu nhược, ủy mị chăng? Sao Ngài không dạy họ tinh thần kiên trì, bất khuất? "Thua keo này ta gầy keo khác." Trong Kinh Thánh, có nhiều lần Chúa dạy con dân Ngài tinh thần can đảm, kiên trì (Giô-suê 1:9). Khi bước đi trong ý Chúa, và được Ngài ủng hộ, chúng ta cần can đảm như hổ báo, kiên trì như núi sông. Nhưng khi chúng ta sai trái ý Ngài và bị Ngài sửa trị, chúng ta cần hạ mình để trông chờ ơn khoan hồng tha thứ của Ngài. Kinh Thánh dạy: "Chúa chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường" (I Phi-e-rơ 5:5), và "Tấm lòng đau thương thống hối, Chúa không khinh dể đâu" (Thi-thiên 51:16). Đây là trường hợp "tổ quốc lâm nguy"vì hậu quả của tội lỗi và Chúa chỉ con dân Ngài con đường ăn năn thống hối để giải cứu đất nước. Chúa dạy các thầy tế lễ hãy mặc bao gai và nằm cả đêm. Chúa truyền dạy họ triệu tập một hội đồng đông đảo trọng thể gồm mọi thành phần dân chúng để kiêng ăn cầu nguyện. Cá nhân chúng ta, Hội Thánh, xóm làng, phố phường, đất nước chúng ta đang sinh sống có đang lâm nguy vì tội ác chăng? Chúa kêu gọi chúng ta hãy hạ mình ăn năn, khóc lóc, kiêng ăn cầu nguyện để được Ngài thương xót cứu vớt. Lạy Chúa, mỗi ngày xin giúp con nhìn thấy những điều trong ý nghĩ, lời nói, việc làm của con sai trật ý muốn Ngài, giúp con biết ghê sợ tội lỗi và biết đến với Chúa bằng tấm lòng ăn năn.

(c) 2024 svtk.net