Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Khiển Trách và Tha Thứ

Lu-ca 17:1-10

"Khi anh em con có lỗi, hãy khiển trách; khi họ ăn năn phải tha thứ" (Lu-ca 17:3, TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Đối với chúng ta là con cái Chúa, sự khiển trách nhằm mục đích gì? Mang những đặc điểm nào? Tại sao Chúa dạy chúng ta phải tha thứ? Khiển trách và tha thứ liên hệ thế nào đến đức tin? Theo bạn, khiển trách và tha thứ, điều nào dễ hơn? Tại sao? Bạn đã thực hành hai điều này thế nào? Hai điều Chúa dạy trong phân đoạn này là khiển trách và tha thứ. Khiển trách là chỉ ra những lỗi lầm của người khác nhằm giúp họ ăn năn, sửa đổi. Khiển trách không chỉ nhằm lợi ích cho cá nhân người phạm lỗi nhưng cho cả cộng đồng, tập thể. Thật ra, tội lỗi không bao giờ là vấn đề cá nhân. Khi chúng ta phạm tội, không những chúng ta phạm tội với chính mình và người lân cận nhưng chúng ta còn làm thương tổn đến cả nhân loại và thân thể của Đấng Christ. Mục đích khiển trách là để người phạm lỗi nhận biết sai phạm và quay lại ăn năn chứ không nhằm hạ nhục hay trả thù. Có nghĩa là người phạm tội không phải hoàn toàn tuyệt vọng hay bế tắc. Vẫn còn một lối thoát, đó là ăn năn để được tha thứ. Nếu người phạm lỗi sau khi bị khiển trách biết ăn năn, chúng ta phải tha thứ cho họ, không phải một lần, nhưng bất luận bao nhiêu lần họ ăn năn và xin tha thứ. Vì thế khiển trách phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương. Tha thứ là vấn đề liên hệ đến đức tin. Khi các môn đồ thấy tha thứ là điều họ không thể làm nổi nên họ xin Chúa "ban thêm đức tin." Chúa Giê-xu cho họ thí dụ về đức tin bằng hạt cải. Đức tin là món quà của Đức Chúa Trời nhưng món quà đó đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng và nuôi dưỡng bằng tình yêu. Đức tin phải có việc làm, phải thể hiện bằng hành động thương yêu và tha thứ. Tha thứ là việc làm của đức tin. Tha thứ là điều Chúa dạy. Điều Chúa dạy là bổn phận mà người theo Chúa phải làm (c. #10). Bổn phận, tiếng Anh "duty" do chữ "doulos" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là đầy tớ hay nô lệ. Nói đến bổn phận là nói đến điều bắt buộc phải làm, không phải làm vì thích hoặc để được phần thưởng. Chúa nói rõ, "Khi các con làm xong những việc Thượng Đế dặn bảo, đừng nghĩ mình đáng được khen thưởng, vì đó là bổn phận các con" (c. #10, TKHĐ). Tha thứ chính là điều đòi hỏi của đức tin. Tha thứ đem lại phước hạnh. Khi tha thứ đời sống thuộc linh của ta sẽ không bị tổn hại. Nếu ta sống với lòng cay đắng thì chính ta là nạn nhân. Nếu để sự tức giận, oán hận, thù ghét, thành kiến chế ngự, chắc chắn những điều này dẫn ta đến sự thất bại trong mọi khía cạnh của đời sống. Trái lại nếu đời sống ta tràn đầy hi vọng, đức tin, tình yêu thì cuộc đời sẽ tươi đẹp. Mọi việc ta làm sẽ là niềm vui, không chỉ là bổn phận. Khiển trách xem ra có vẻ dễ hơn là tha thứ. Tuy nhiên khiển trách không phải bao giờ cũng là điều dễ thực hiện, nhất là trong một xã hội mà người ta đề cao sự tự do hơn là giáo điều, cổ võ lòng khoan dung hơn là sự xét đoán. Khiển trách không phải là việc dễ làm trong một thời đại mà lằn ranh giữa thiện và ác càng lúc càng mờ nhạt, trong một xã hội mà lắm khi người ta không còn biết xấu hổ hay nhục nhã khi làm những việc tội lỗi, sai trái. Đối với chúng ta là con cái Chúa, sự khiển trách phải đặt nền tảng trên Lời Chúa và sự soi sáng của Thánh Linh. Khiển trách và tha thứ là hành động của đức tin. Xin Chúa soi sáng con để con luôn học biết về sự tha thứ của Ngài trên đời sống, để con sẵn sàng tha thứ những người vấp ngã. Xin cho con thể hiện đức tin bằng tấm lòng tha thứ.

(c) 2024 svtk.net