Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Kiêng Ăn Thật

Ê-sai 58:1-12

"Nhịn ăn cho đẹp lòng ta là chia cơm xẻ áo với người đói khổ, tiếp rước người nghèo cực không nơi nương tựa về ở chung trong nhà, và không lảng tránh khi người bà con ruột thịt cần được cứu giúp" (Ê-sai 58:7, TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Sự kiêng ăn có ý nghĩa gì và quan trọng thế nào đối với người Do Thái? Qua Ê-sai, Chúa điều chỉnh quan niệm lệch lạc của họ ra sao? Ngày nay chúng ta cần thực hiện sự kiêng ăn như thế nào? Phân đoạn Kinh Thánh này cho thấy điều kiện nào để lời cầu nguyện được nhậm? Theo niên lịch Cơ Đốc, hôm nay chúng ta đang ở trong mùa khải tỏ (Epiphany), tức mùa kỷ niệm các nhà thông thái viếng thăm Chúa Hài Nhi, một sự kiện được xem là sự khải tỏ đầu tiên về chương trình cứu chuộc của Chúa cho dân ngoại. Mùa khải tỏ là thời gian ta suy nghĩ về sự bày tỏ và hiện diện của Đức Chúa Trời trong thế giới và trong đời sống chúng ta. Phân đoạn này là lời tiên tri được rao truyền cho dân Y-sơ-ra-ên sau cuộc lưu đày và tái lập sự thờ phượng. Câu #2-5 cho biết dân Y-sơ-ra-ên đã hết lòng tìm kiếm Chúa và muốn biết đường lối Ngài bằng cách kiêng ăn và "dằn lòng." Họ nghĩ bằng cách kiêng ăn họ sẽ được Chúa đoái xem. Tuy nhiên, Ê-sai cho thấy thực hành một kỷ luật thuộc linh chỉ hoài công nếu họ tiếp tục cuộc sống bất chính. Lễ nghi tôn giáo chẳng ích lợi gì nếu chỉ để "tìm sự đẹp lòng mình," "áp bức kẻ làm thuê," "cãi cọ tranh cạnh," "nắm tay đánh nhau cộc cằn" (câu #3, 4). Điều Chúa lên án chính là lý do Chúa làm ngơ trước sự kiêng ăn của họ. Dù họ mặc bao gai và đội tro, quì mọp như cây sậy trước gió kêu cầu Chúa vẫn không nghe (câu #5). Làm điều công chính và bày tỏ lòng thương xót mới là điều Chúa hài lòng. Đó là sự kiêng ăn thật mà Chúa lựa chọn (câu #6,7). Kêu gọi kiêng ăn là kêu gọi từ bỏ bản ngã, lối sống ích kỷ, lợi lộc cá nhân. Kêu gọi kiêng ăn là kêu gọi làm điều công chính và bày tỏ lòng thương xót qua việc làm cụ thể được nói đến ở câu #6-7. Kiêng ăn không chỉ là nhịn ăn mà cho người đói miếng ăn, người rét manh áo, người tứ cố vô thân nơi trú ngụ. Nói cách khác, kiêng ăn không chỉ là điều luật hay nghi thức tôn giáo mà là một nếp sống, không chỉ là tin đạo mà là hành đạo, không chỉ là cuộc sống tu trì tại gia hay tại đền thờ nhưng là cuộc sống công chính giữa cộng đồng xã hội. Sứ điệp của Ê-sai nhằm cho dân Y-sơ-ra-ên thấy ý nghĩa thật sự của sự kiêng ăn mà nhiều thế kỷ đã bị hiểu lệch lạc. Đây cũng là sứ điệp cho các con dân Chúa ngày nay. Theo Chúa không phải chỉ giữ nghi lễ tôn giáo nhưng là sống đạo. Chúng ta tìm kiếm Chúa không chỉ bằng sự cầu nguyện, đi nhà thờ, hoặc kiêng ăn. Chúa kêu gọi ta thờ phượng Chúa nhưng sự thờ phượng chỉ được Chúa hài lòng khi làm theo những điều Chúa dạy: Yêu Chúa và yêu người lân cận. Chỉ lúc đó ta mới kinh nghiệm sự khải tỏ và hiện diện của Chúa trên đời sống, chỉ lúc đó vinh quang Chúa mới bao phủ chúng ta. Lúc đó, chúng ta sẽ được Ngài soi sáng, chữa lành, lúc đó "chúng ta cầu, Chúa sẽ ứng, chúng ta kêu, Chúa sẽ đáp lời: Có Ta đây!" (c. #8-12). Lạy Chúa, đời sống tâm linh và nếp sống hằng ngày của con vẫn còn một khoảng cách. Xin cho con biết tìm kiếm sự hiện diện của Chúa nơi người cùng khổ, thiếu thốn vì chính tại đó con tìm thấy sự hiện diện của Ngài.

(c) 2024 svtk.net