Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Giá Trị Của Luật Pháp

Ma-thi-ơ 5:13-20

"Người nào vâng giữ điều răn và dạy người khác làm theo là người lớn trong Nước Trời" (Ma-thi-ơ 5:19b TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Bằng cách nào Chúa Giê-xu làm trọn luật pháp? Chúa cho thấy luật pháp và lời tiên tri có giá trị ra sao? Bằng sức mạnh nào chúng ta vâng giữ luật pháp? Việc tuân giữ luật pháp phải thể hiện thế nào trong cuộc sống? Khi nghe Chúa Giê-xu rao giảng Phúc Âm, nhiều người hiểu lầm rằng luật pháp và lời tiên tri không còn cần đến nữa. Với Phúc Âm của Chúa Giê-xu, tất cả đều phải làm lại từ đầu. Để sửa sai quan niệm lệch lạc nầy, Chúa Giê-xu khẳng định, "Ta đến không phải để phá hủy luật pháp và lời tiên tri nhưng làm trọn luật pháp" (câu #17). Chúa cũng khẳng định rằng luật pháp và lời tiên tri, chỉ về Kinh Thánh của người Do Thái, sẽ trường tồn cho đến khi trời đất qua đi. Trước hết, lời khẳng định của Chúa cho thấy đức tin được xây dựng trên quá khứ. Những truyền thống và nhân vật Kinh Thánh là những phương tiện mạc khải qua đó chúng ta nhận biết được Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài. Mạc khải là một câu chuyện tiếp nối liên tục qua các thời đại. Chúng ta là con cái của Áp-ra-ham, thánh tổ của đức tin, cũng như các anh hùng đức tin qua các thời đại (xem Hê-bơ-rơ chương 11). Qua những truyền thống và nhân vật Kinh Thánh trong quá khứ đức tin chúng ta được xây dựng và vun tưới. Dầu mỗi thời đại có những phương cách thờ phượng và rao truyền Phúc Âm khác nhau nhưng tất cả đều xây dựng trên nền tảng bất di dịch là Lời Đức Chúa Trời. Đối với chúng ta, đức tin phải được xây dựng trên Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, là di sản vô giá mà chúng ta nhận được từ quá khứ. Điểm thứ hai Chúa Giê-xu khẳng định, đó là "Nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của thầy thông giáo và người Pha-ri-si thì các ngươi chắc sẽ không được vào nước thiên đàng" (câu #20). Thầy thông giáo và người Pha-ri-si tiêu biểu cho những người am hiểu và thực hành luật pháp cách nghiêm túc nhất trong thời đại của họ. Đối với luật pháp, họ được coi là những người công bình nhất. Nhưng tại đây Chúa muốn sự công bình của con cái Ngài phải trổi hơn sự công bình của người Pha-ri-si. Điều này cho thấy những điều luật pháp đòi hỏi phải được tôn trọng và thực hành, tuy nhiên không phải viết trên bảng đá nhưng trong lòng, không phải bằng văn tự nhưng bằng Thánh Linh, vì "văn tự làm cho chết nhưng Thánh Linh làm cho sống." Nói cách khác, con cái Chúa vâng giữ luật pháp Chúa không phải bằng sức mạnh hay nỗ lực riêng của con người nhưng bằng quyền năng của Thánh Linh. Chính quyền năng Thánh Linh sẽ khiến sự công bình của con cái Ngài trổi hơn người Pha-ri-si, trổi hơn cái "tốt nhất" của người đời. Sự công bình của con dân Chúa được bày tỏ qua các việc lành. Việc lành không còn là nỗ lực của con người nhưng là bông trái của Thánh Linh. Việc lành nói lên sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta. Đối với nhiều người, làm việc lành xem ra là gánh nặng vì liên hệ đến trách nhiệm và bổn phận. Nhưng với con dân Chúa đó là kết quả của một đời sống có Chúa. Câu #14-16 cho thấy việc lành không là gánh nặng nhưng mang đặc tính của ánh sáng, của sự rạng rỡ, của niềm vui. Tại đây, chúng ta được kêu gọi trở thành "muối của đất" và "ánh sáng của thế gian." Như là muối của đất, Cơ Đốc nhân đem lại sự chữa lành bằng Phúc Âm của Chúa cho một thế giới ô nhiễm. Là ánh sáng chúng ta đem lại sự sống cho thế giới tối tăm và chết chóc. Đời sống cá nhân chúng ta và Hội Thánh là phương tiện Chúa dùng để khải tỏ đức công chính của Ngài cho thế giới. Lạy Chúa, xin quyền năng Thánh Linh giúp con thể hiện sự công bình của Ngài để Cha trên trời được tôn vinh trên đất.

(c) 2024 svtk.net