Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Che Đậy và Ẩn Trốn

Sáng-thế Ký 3:8-13

"Mắt hai người mở ra, biết mình trần truồng, liền kết lá vả che thân. Đến chiều nghe tiếng Thượng Đế Hằng Hữu đi ngang qua vườn, A-đam và vợ liền ẩn nấp giữa lùm cây trong vườn" (Sáng-thế Ký 3:7-8 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì xảy ra cho A-đam và Ê-va khi hai người phạm tội? Tại sao họ trốn Chúa? Tại sao họ đổ lỗi cho nhau? Sau khi ăn trái cây biết điều thiện điều ác, điều gì xảy ra trong nhận thức của họ? Che đậy và ẩn trốn mang ý nghĩa nào trong liên hệ với tội lỗi? Sau khi phạm tội, bị cảm giác tội lỗi đè nặng, A-đam và Ê-va đã trốn Chúa. Dầu hai người phạm tội, Đức Chúa Trời vẫn tìm cách để nói chuyện với họ. Chắc chắn Chúa biết hai người trốn ở đâu nhưng Chúa vẫn gọi "Ngươi ở đâu?" Câu hỏi cho thấy Chúaluôn quan tâm và tìm kiếm con người. Trước khi phạm tội hai người "trần truồng mà chẳng hổ thẹn" (#2:25) nhưng bây giờ đã đổi khác. Họ đã đánh mất sự trong trắng nguyên thủy và hụt mất vinh quang của Chúa. Họ tìm cách che đậy sự lõa lồ và rồi tìm cách ẩn trốn Đức Chúa Trời. Sự không vâng lời dẫn đến sự đổ lỗi cho người khác. Đổ lỗi là cách con người bào chữa và che đậy tội lỗi. A-đam đổ lỗi cho Ê-va và ngay cả đổ lỗi cho Chúa. Trong câu nói "Người nữ mà Chúa để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn" A-đam hàm ý rằng nếu Chúa không dựng nên người đàn bà thì tôi đã không bị cám dỗ. Như vậy là lỗi của Chúa. Hỏi Ê-va, bà bảo vì con rắn dụ dỗ nên bà đã ăn trái cấm, như thế cũng không phải lỗi ở bà. Trước hết họ bị cám dỗ lựa chọn làm theo ý mình thay vì ý Chúa để rồi tiếp đến là cám dỗ chạy tội bằng cách đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người khác trong những quyết định sai lầm của mình. Khi không còn có tự biện minh được nữa, chúng ta có thể đổ lỗi cho Đức Chúa Trời. Thái độ của A-đam cũng là thái độ của cả dòng dõi loài người trải qua các thời đại. A-đam và Ê-va không những che đậy và ẩn trốn về thân xác nhưng cũng che đậy và ẩn trốn về tâm linh. Chính tội lỗi đã làm con người che đậy và ẩn trốn Chúa và ẩn trốn nhau. Nói cách khác, chính tội lỗi đã làm gãy đổ mối tương quan giữa con người với Chúa và với nhau. Ăn trái cây "biết điều thiện và điều ác" để rồi con người nhận thức được một điều đối nghịch với bản tính nguyên tuyền, đó là điều ác, một điều đối nghịch mà trước khi phạm tội con người không hề biết đến. Từ đó trong con người có một sự tranh chiến giữa hai bản tính thiện và ác. Khi mối tương giao với Đức Chúa Trời bị gãy đổ và hình ảnh Đức Chúa Trời nơi con người bị mờ nhạt, bản tính tội lỗi nơi con người đã thắng thế và ngự trị. Dụ dỗ con người phạm tội, ma quỷ nhằm đẩy con người vào thế đối nghịch với Chúa, đối nghịch với nhau và với cả chính mình. Lịch sử loài người trở thành lịch sử của những đối nghịch giữa con người với Chúa và với nhau. Phạm tội và hụt mất vinh quang của Chúa, con người lần mò trong bóng tối tử vong. Càng thấy quyền lực và hậu quả của tội lỗi không phương giải thoát, chúng ta càng thấy ân sủng kỳ diệu của Chúa trên cả nhân loại và trên mỗi đời sống chúng ta. Cảm tạ Chúa, Lời Ngài cho con thấy sự kinh khiếp của tội lỗi đồng thời nhận thức được ân sủng lớn lao của Chúa. Xin giúp con sống xứng đáng với ân sủng và sự cứu chuộc mà connhận từ Ngài.

(c) 2024 svtk.net